Ngân hàng thận trọng với kế hoạch lợi nhuận

Những ngân hàng công bố kế hoạch sớm đang đặt mức tăng trưởng tương đương mức tăng trưởng tín dụng chung 14 - 15% mà NHNN đặt ra cho toàn ngành.

Ngân hàng thận trọng với kế hoạch lợi nhuận

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây công bố mục tiêu năm 2023 lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tổng tài sản đạt 9% so với năm 2022,

Tăng trưởng tín dụng dự kiến 12,8%, trong đó chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một TCTD yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm trước.

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự kiến đạt 10,4%, dư nợ cho vay đạt 132.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản vào cuối năm 2023 ước đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 15,4% so với đầu năm. Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 155.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 25%, đạt 428.500 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên 292.500 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng NHNN cho phép. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 26,2%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Bên cạnh đó, VIB cũng sẽ trình cổ đông phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.

Có thể thấy, các ngân hàng năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng khá thận trọng. Những ngân hàng công bố kế hoạch sớm thường xoay quanh mức tăng trưởng tín dụng chung 14 - 15% mà NHNN đặt ra cho toàn ngành.

Những kế hoạch thận trọng đến từ thực tế không mấy sáng sủa của nền kinh tế. Trong năm 2023, ngành ngân hàng đang gặp nhiều trở ngại hơn do áp lực hy sinh lợi nhuận (NIM thu hẹp), chính sách tiền tệ bị thắt chặt, tăng trưởng tín dụng chậm lại và đối mặt với những lo ngại về chất lượng tài sản.

Điều này khiến lợi nhuận của các ngân hàng sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như năm 2022.

Báo cáo phân tích của Fiingroup đánh giá, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chất lượng tài sản, lãi suất cao và nhu cầu bức thiết phải tăng bộ đệm vốn cho các ngân hàng.

Theo đó, chất lượng tài sản suy giảm tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng do các yếu tố là tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên sau khi thông tư 14 về giãn nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 hết hiệu lực.

Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản (BĐS), bao gồm cho vay chủ đầu tư BĐS, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu BĐS. Việc cho phép tái cơ cấu dư nợ trái phiếu BĐS hiện đang trao đổi tại dự thảo Nghị định 65 cũng là thách thức nếu không sớm được thực thi.

Do đó, các ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực BĐS ở mức cao sẽ đối diện áp lực tăng trích lập dự phòng, làm xói mòn lợi nhuận.

Ngoài ra, môi trường lãi suất huy động tăng cao khiến chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên, trong khi đó tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) có thể thu hẹp nhẹ trong một đến hai quý tới.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng trong năm 2023 vãn sẽ có một số điểm sáng như tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao gấp đôi sau 10 năm và tăng trưởng thu nhập lãi được kỳ vọng cải thiện vào nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, thu nhập từ phí và hoa hồng tiếp tục đóng góp tích cực cho lợi nhuận của ngân hàng, phần nào giảm sự phụ thuộc vào tín dụng cho ngân hàng.

Một số ngân hàng có câu chuyện riêng cũng sẵn sàng cho kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ hơn toàn ngành. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã công bố kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 34,8% so với năm 2022.

Tổng tài sản năm 2023 ước đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 14%, đạt 146.600 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 11,8% lên 165.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 1,6%.

Ông Lê Viết Hải chính thức trở lại vị trí Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Ông Lê Viết Hải chính thức trở lại vị trí Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa ban hành hàng loạt nghị quyết của HĐQT, trong đó có nghị quyết thông qua việc rút đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải. Điều này đồng nghĩa, ông Lê Viết Hải chính thức trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT của tập đoàn…
Băn khoăn cơ chế xác định giá đất

Băn khoăn cơ chế xác định giá đất

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hướng dẫn cụ thể hơn về việc xác định giá đất để đảm bảo tính đồng bộ, khách quan và thuận lợi cho công tác triển khai, thực hiện.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.