Nghị định 65 sửa đổi: Không phải "cây đũa thần", cần thêm biện pháp bổ trợ

Chính phủ cần sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP và có các giải pháp nhanh chóng chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu đang là một trong những đề xuất quan trọng nhất mà các cơ quan chức năng, chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra...

Nghị định 65 sửa đổi cũng được nhà quản lý kỳ vọng khơi thông kênh dẫn vốn trung dài hạn bền vững và giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Xác định tư cách nhà đầu tư thận trọng

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Điều này sẽ giúp khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Trong đó có một số thay đổi quan trọng, nhưng đáng chú ý nhất là liên quan tới nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp. Cụ thể, dự thảo sửa đổi quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư theo 2 phương án.

Phương án thứ nhất: Ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Từ ngày 1/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện các quy định này.

Phương án thứ hai: Tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đánh giá chi tiết về phương án đầu tiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, ưu điểm là trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay thì phương án này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.

trai-phieuBản đồ tổng trái phiếu phát hành trong năm 2022 giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do việc siết chặt phát hành trái phiếu của các cơ quan chức năng

Nhược điểm của phương án này là chuẩn mực cho nhà đầu tư cá nhân bị dời lại thì trong thời gian này sẽ có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp sẽ "nhảy" vào thị trường, tạo ra rủi ro cho thị trường.

Chưa kể, có thể sẽ có một số lượng nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao, mà không đánh giá được hết những hậu quả có thể xảy ra. Gây những hệ luỵ nghiêm trọng cho người dân, cũng như gây mất ổn định trật tự kinh tế, xã hội.

Về phương án thứ hai, ông Hiếu cho rằng ưu điểm là thanh lọc dần thị trường để thị trường ngày càng trở nên chuyên nghiệp và minh bạch; giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu.

Song, nhược điểm là trước mắt nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân có thể giảm. Hoặc, đây cũng là "động lực" để nhà đầu tư không quay trở lại đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Do đó, thị trường càng khó khăn trong việc huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Thay đổi để hoàn thiện

Cũng theo ông Hiếu, sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP là cực kỳ cần thiết trong thời gian này, nhưng ngoài vấn đề liên quan đến nhà đầu tư cá nhân, Nghị định này chưa thực sự "hoàn hảo", cần có một số thay đổi liên quan tới cả doanh nghiệp.

Thứ nhất, Nghị định 65 sửa đổi cho phép nhà phát hành đàm phán với nhà đầu tư để gia hạn trái phiếu 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành ban đầu.

"Điểm này tôi cũng đồng tình do hiện nay nhiều nhà phát hành khó khăn, không biết xoay sở ra sao để trả nợ, do đó, việc 2 bên đàm phán hoãn nợ là điều hợp lý. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy rằng điểm thay đổi trên cũng sẽ tạo ra những rủi ro cho thị trường trái phiếu", ông Hiếu nói.

Vì việc này không mấy lạc quan sẽ thực hiện thành công. Các nhà đầu tư khi thấy nhà phát hành đang “lâm nguy” thì liệu rằng cuộc đàm phán hoãn nợ có khả thi hay không? Nhất là trong trường hợp, số trái phiếu đến hạn trả nợ trong 2 năm tới lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng thì các nhà đầu tư khi thấy doanh nghiệp đang “ngấp nghé” ngưỡng cửa của phá sản thì rất khó để chấp nhận gia hạn.

chuyen-gia-nguyen-tri-hieuTheo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: "Nghị định 65 sửa đổi có những quy định "cởi mở" hơn, những thành phần thị trường tham dự nhiều hơn và có những giao dịch mà từ đó làm cho thị trường trở nên sôi động hơn"

"Khả năng lúc này là các nhà đầu tư sẽ kiện ra tòa phá sản để xin mở thủ tục phá sản. Nếu 10 doanh nghiệp, rồi 100 doanh nghiệp bị kiện ra tòa dẫn tới phá sản như vậy thì sẽ tạo hiệu ứng domino rất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính Việt Nam", chuyên gia Hiếu nhận định.

Chính vì thế, ở điểm sửa đổi này, ông Hiếu mạnh dạn đề nghị xa hơn nữa là Chính phủ nên nghiên cứu, ban hành một chương trình hoãn nợ quốc gia để hỗ trợ cho các nhà phát hành đến hạn trả nợ trong 1-2 năm tới.

"Nhưng chỉ áp dụng cho những nhà phát hành đã phát hành trái phiếu đúng quy định pháp luật, chứ không phải những nhà phát hành mang tính lừa đảo, mị dân, dùng chiêu trò để bán trái phiếu. Nếu nhà phát hành làm ăn bài bản thì nên giúp họ vực dậy, cho phép hoãn trả nợ trong vòng từ 1-2 năm", ông Hiếu nói.

Thứ hai, việc lùi xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến đầu năm 2024.

TS. Hiếu cho rằng, hiện nay, không những phải áp dụng quy định xếp hạng tín nhiệm ngay bây giờ mà còn hơn thế nữa, tất cả các doanh nghiệp phát hành từ nay trở đi phải xếp hàng tín nhiệm. Bất kể đó là lô phát hành lớn hay nhỏ, doanh nghiệp ra sao, điều này để tránh rủi ro cho các phương án trên.

"Tôi hiểu là việc xếp hạng tín nhiệm mất chi phí cao, nhưng đây là giá mà các doanh nghiệp phải trả để các nhà đầu tư họ có công cụ thẩm định doanh nghiệp để đưa ra quyết định nên hay không nên mua trái phiếu", ông Hiếu nói.

Một điều đáng chú ý, cho dù thay đổi phương án đối với nhà đầu tư hay doanh nghiệp thì việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng sẽ giúp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư, giúp thị trường trở nên thông thoáng hơn. Nhưng mấu chốt ở đây là Chính phủ, Bộ Tài chính phải tạo ra môi trường kinh doanh đủ uy tín, tin cậy để các chủ thể yên tâm tham gia.

Vì mặc dù, Bộ Tài chính đã đưa ra những cảnh báo, nhưng đến cuối cùng, trách nhiệm trả nợ là của nhà phát hành. Tại các văn bản quy phạm pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp cũng đã nói rõ, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dựa trên nguyên tắc tự vay, tự trả, các bên liên quan phải tự định liệu để trả nợ.

"Cho nên theo tôi, Bộ Tài chính dẫu cho đã nỗ lực, cố gắng làm ổn định, minh bạch thị trường và có nỗ lực bao nhiêu đi nữa mà nhà phát hành không làm theo đúng quy định, dẫn đến tình trạng mất khả năng trả nợ hoặc cố tình lừa đảo thì cũng rất khó “đổ tội” cho Bộ Tài chính đã không thể ngăn ngừa những sự cố này", ông Hiếu nói.

Do đó, các cơ quan quản lý phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu. Tất cả các lô trái phiếu phát hành sai quy định của pháp luật đều phải mang tính lừa đảo đều phải bị pháp luật xử lý nghiêm. Vì khi đó, phía nhà đầu tư khi nhìn thấy động thái mạnh tay từ phía nhà quản lý cũng sẽ dần lấy lại được sự tin tưởng vào thị trường.

"Tóm lại, Nghị định 65 sửa đổi có những quy định "cởi mở" hơn, những thành phần thị trường tham dự nhiều hơn và có những giao dịch mà từ đó làm cho thị trường trở nên sôi động hơn.

Tuy nhiên, Nghị định đó chưa phải là "cây đũa thần" làm thị trường phục hồi. Thị trường phục hồi hay không còn phần phục thuộc vào lòng tin của cả hai bên tin tưởng nhau hai không. Nhất là khi, niềm tin của người dân vào doanh nghiệp và sự quản lý của Chính phủ đang rất "mỏng", ông Hiếu nói.

Nên, ngoài thay đổi những quy định, các cơ quan có liên quan nên có nhiều biện pháp hơn nữa để lấy lại niềm tin cho người dân - nhất là thời điểm hiện nay "niềm tin đối với các doanh nghiệp là thứ xa xỉ".

Cần thêm giải pháp bổ trợ

GS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, về trái phiếu doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo lòng tin của người dân đối với thị trường trái phiếu. Đây là cơ sở để phát triển thị trường này trong tương lai.

Phải có những giải pháp đảm bảo cho người dân đã mua trái phiếu doanh nghiệp yên tâm không bị mất các khoản tiền đã đầu tư, thậm chí có thể sẽ thu được nguồn lợi nhiều hơn, nếu kiên trì theo đuổi đầu tư dài hạn.

Do vậy, bên cạnh việc sửa Nghị định 65 theo hướng gia hạn thêm thời gian thực hiện các điều kiện của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, Chính phủ nên cho phép thực hiện 2 giải pháp đặc biệt như sau:

Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp phát hành thoả thuận với người mua trái phiếu để chuyển các khoản nợ thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi thành các sản phẩm khi công trình hoàn thành. Cụ thể, dưới hình thức như các nhà đầu tư được nhận sản phẩm theo mức giá trị đóng góp.

GS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dânTheo GS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bên cạnh việc sửa Nghị định 65 theo hướng gia hạn thêm thời gian thực hiện các điều kiện của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, Chính phủ nên cho phép thực hiện 2 giải pháp đặc biệt

Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng trái phiếu cho nhau, người nắm giữ trái phiếu coi như người góp vốn đầu tư ,chờ khi dự án hoàn thành sẽ nhận sản phẩm hoặc giá trị tương ứng với lượng sản phẩm được quyền chuyển đổi.

GS. Cường cho rằng phương thức này thực chất là một hình thức huy động vốn đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản và người có vốn mua trái phiếu trở thành người góp đầu tư bất động sản và được hưởng lợi từ giá trị tăng thêm của bất động sản sau khi dự án hoàn thành.

Thứ hai, một số dự án bất động sản quan trọng (về qui mô, tính chất loại hình bất động sản và vị trí dự án), nếu không được tài trợ vốn, các doanh nghiệp có nguy cơ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn phải bán. Điều này sẽ có nguy cơ gây hệ luỵ lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản và nhiều vấn đề khác của đất nước.

"Trong trường hợp này, Chính phủ cần phải can thiệp trực tiếp bằng phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại các trái phiếu doanh nghiệp (với lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn để người dân sẽ yên tâm không bị rủi ro đối với tiền vốn đã mua trái phiếu doanh nghiệp);

Chuyển các khoản nợ này cho các tổ chức quản lý nợ của nhà nước như DATC hoặc VAMC quản lý và kiểm soát hoạt động của các dự án này tiếp tục đầu tư đến khi thu hồi vốn. Trong trường hợp này, không nên hình sự hoá đối với doanh nghiệp mà để họ có cơ hội tiếp tục các hoạt động phục hồi dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nợ của nhà nước", GS. Cường nói.

Đừng mong lãi suất… giảm sâu

Đừng mong lãi suất… giảm sâu

Cuối tháng 11 năm ngoái, Việt Nam bắt đầu chuyển sang định hướng giảm lãi suất để nền kinh tế có cơ hội phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên, đến nay, nhà quản lý tiền tệ vẫn không dám mạnh tay đưa lãi suất “nguội hẳn”, bởi họ còn dè chừng “con ngáo ộp” mang tên lạm phát...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.