Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) vừa chính thức đi vào vận hành nhằm gỡ “nút thắt” trong xử lý rác thải. Tuy nhiên, những bất cập trong xử lý rác thải ở Hà Nội vẫn chưa thể tháo gỡ một sớm một chiều.
Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý.
Áp lực rác vẫn rất lớn
Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) vừa chính thức đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia ngày 25/7 với công suất phát điện đốt rác là 15MW ở giai đoạn 1. Đây là dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng do chủ đầu tư Công ty Cổ phần môi trường năng lượng Thiên Ý, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy điện rác Sóc Sơn - được coi là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và lớn thứ 2 thế giới chỉ sau nhà máy điện rác Thâm Quyến (Trung Quốc). Đây được cho là dấu mốc quan trọng khẳng định những nỗ lực, quyết tâm của TP Hà Nội trong việc xử lý rác thải nhằm tháo gỡ những nút thắt đã tồn tại hàng chục năm qua.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Tổng Giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á, Công ty Cổ phần Môi trường Năng lượng Thiên Ý cho biết: Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã có thời gian vận hành thử nghiệm quy trình đốt rác lấy điện, đã được kiểm tra kỹ lưỡng và nghiệm thu. Việc vận hành nhà máy được chia làm 3 giai đoạn, với 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện. Dự kiến, khi được đưa vào vận hành, ở giai đoạn 1, với 1 lò đốt và 1 tổ máy vận hành, nhà máy sẽ xử lý 1.000 tấn rác mỗi ngày, sau đó nâng dần lên 3.000 tấn và 5.000 tấn ở giai đoạn 2, 3.
Nhà máy sử dụng 5 lò ghi cơ học kiểu Waterleau của Bỉ. Khi đi vào hoạt động 5 lò đốt có tổng công suất lớn sẽ xử lý được 4.000 tấn rác khô, tương đương 5.000 tấn rác tươi mỗi ngày, giải quyết được từ 60 - 70% lượng rác đang chôn lấp của Hà Nội hiện nay. Theo tính toán, công suất của nhà máy sẽ giải quyết việc xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại của 9 quận nội thành và 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn).
Toàn bộ quy trình xử lý rác để phát điện đều được tự động hóa. Một phần điện thu được sẽ cung cấp cho nhu cầu của nhà máy, số còn lại sẽ được hòa vào lưới điện Quốc gia. Tro xỉ sau quá trình đốt cũng được tận dụng làm vật liệu xây dựng. Nhà máy điện rác Sóc Sơn có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững của chính phủ.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý nhận được sự quan tâm của dư luận, người làm môi trường, bởi quy mô lớn thứ 2 trên thế giới và tính hiệu quả của dự án đối với công tác đảm bảo vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý để nâng cao chất lượng, hiệu quả xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội là chưa đủ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 5.500 tấn đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; khoảng 1.300 tấn vận chuyển về khu xử lý Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây); số còn lại xử lý tại một số lò đốt nhỏ. 2 bãi rác lớn nhất của Thủ đô là Nam Sơn và Xuân Sơn sau hàng chục năm vận hành đã và đang rơi vào tình trạng quá tải, thường xuyên phải đối mặt với việc phải dừng hoạt động do hết chỗ lưu chứa nước rỉ rác, khu vực chôn lấp và đường dẫn vào khu vực chôn lấp xuống cấp nghiêm trọng. Với công suất vận hành hiện tại, nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam ở Sóc Sơn cũng chỉ đáp ứng được 1/7 lượng rác phát sinh mỗi ngày, chưa thể giải quyết được bài toán rác thải ở Thủ đô.
Rác thải ùn ứ trong nội thành Hà Nội.
Kịch bản cho sự cố rác thải còn bị động
Nhà máy Điện rác Thiên Ý thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư trên diện tích khoảng 17,51ha. Dự án được khởi công từ tháng 8/2019. Theo kế hoạch đã được điều chỉnh, nhà máy sẽ vận hành giai đoạn 1 vào ngày 20/1/2022; giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 22/2/2022 và giai đoạn 3 là ngày 25/3… Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, đến nay nhà máy mới vận hành thử nghiệm… giai đoạn 1, tức đã chậm hơn so với kế hoạch hơn 7 tháng.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến, nhà máy điện rác Thiên Ý chậm đi vào hoạt động khiến việc chuẩn bị hạ tầng các ô chôn lấp – công tác do Sở Xây dựng thực hiện không được đảm bảo, khiến thời gian xe ra vào bãi kéo dài, ảnh hưởng đến công tác vận chuyển rác thải từ khu vực nội thành lên bãi rác Nam Sơn. Bên cạnh đó, do chậm chi trả đền bù giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường, người dân thuộc 2 xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã ngăn xe vào đổ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn khiến nhiều tuyến phố trong nội thành Hà Nội đã ùn ứ rác thải, ô nhiễm môi trường.
Nhìn lại những lần phát sinh sự cố về rác thải có thể nhận thấy, dù các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp “nóng” để tháo gỡ gồm: Phân luồng rác thải về các khu xử lý khác; có các biện pháp thu gom nhỏ lẻ và xử lý tạm thời như rắc vôi bột, quây khu, ép, bọc kín rác trong khi chờ xe đến vận chuyển... Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần như vậy lượng rác thải tồn đọng rất lớn. Điều đó cho thấy, vấn đề xử lý rác thải khi sự cố xảy ra chưa bài bản, còn bị động, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, dự đến tháng 11/2022, nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn sẽ chạy đủ công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tiếp nhận mỗi ngày 5.500 tấn rác, hơn 78% lượng rác toàn thành phố. Khoảng 1.300 tấn rác/ngày vẫn đang xử lý chôn lấp ở khu xử lý Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, thành phố đã khởi công nhà máy điện rác Seraphin, công suất khoảng 1.500 tấn/ngày đêm, cam kết hoàn thành sau 18 tháng. Nếu đưa vào vận hành sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu.