Hiện nay, các dự án PPP đầu tư đường cao tốc đều khó khăn trong huy động nguồn vốn vay do lãi suất vay biến động lớn, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả tài chính.
Đây là một trong những thông tin vừa được Bộ Giao thông vận tải đưa ra, liên quan tới tình hình triển khai 13 dự án đường cao tốc giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, 5 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, 7 dự án đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và 1 dự án đang trình chủ trương.
Đối với 5 trường hợp đã duyệt chủ trương, cơ bản các dự án đã xác định nguồn vốn để triển khai. Riêng cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương khoảng 2.500 tỷ đồng/7.761 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia dự án từ nguồn vượt thu năm 2022.
Đặc biệt, các dự án PPP cao tốc (cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (Lâm Đồng), cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh…) đều gặp khó trong trong huy động nguồn vốn vay do lãi suất vay có sự biến động lớn, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính.
Qua đó, các địa phương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp để bình ổn lãi vay (đặc biệt đối với mức lãi suất vốn vay đầu tư dự án PPP) và bảo đảm khả thi huy động vốn vay để đầu tư các dự án đường cao tốc.
5 dự án (đã duyệt chủ trương) cũng ghi nhận một số kiến nghị từ địa phương như: kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, cập nhật kế hoạch sử dụng đất của Lạng Sơn và điều chỉnh Quyết định 326/QĐ-TTg để UBND tỉnh Lạng Sơn bố trí đủ chỉ tiêu đất của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 2 huyện Văn Lãng và Tràng Định nhằm đảm bảo GPMB triển khai đồng bộ trên toàn dự án.
Đối với cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (Lâm Đồng), địa phương kiến nghị: cho phép điều chỉnh, bổ sung nội dung cho phép áp dụng ‘cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính’ vào chủ trương đầu tư dự án; cho phép thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với một số gói thầu tư vấn thuộc dự án. Đáng chú ý, chủ trương đầu tư dự án này có nêu: "Dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính của dự án".
Dù đã được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, nhưng quá trình triển khai thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có thể thay đổi (do điều chỉnh cục bộ hướng tuyến nhưng không làm thay đổi tổng diện tích rừng cần chuyển mục đích theo chủ trương đã phê duyệt). Do đó, ghi nhận kiến nghị Thủ tướng giao địa phương chịu trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh để phù hợp thực tế thực hiện dự án.
Tương tự, về 7 dự án đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, liên quan đến cân đối nguồn vốn nhà nước, hầu hết các địa phương cho biết đã phân bổ kế hoạch đầu tư công cho các dự án cụ thể nên rất khó/không thể cân đối đủ nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án PPP. Trên cơ sở đó, các địa phương đã kiến nghị một số nội dung liên quan.
Về dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị kiến nghị ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ khoảng 3.170 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030 để triển khai đầu tư dự án; địa phương cân đối khoảng 800 tỷ đồng ngân sách địa phương (NSĐP) thực hiện giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, do dự án nhận được đề nghị cho vay vốn ODA của Đại sứ quán Nhật Bản, đề nghị các bộ, ngành liên quan hướng dẫn về cơ sở pháp lý trong sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án.
Đối với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị NSTW hỗ trợ, bố trí vốn (gần 8.700 tỷ đồng) tham gia thực hiện dự án.
Về cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, UBND tỉnh Thái Bình kiến nghị cân đối khoảng 8.000 tỷ đồng vốn NSTW để triển khai đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình (địa phương có trách nhiệm cân đối NSĐP khoảng 2.200 tỷ đồng thực hiện GPMB. Tương tự, khoảng 4.500 tỷ đồng bố trí từ NSTW và 2.000 tỷ đồng từ NSĐP là kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Bình để triển khai đầu tư công đoạn cao tốc qua địa phận tỉnh.
Tại dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị cân đối từ NSTW khoảng 5.800 tỷ đồng, địa phương chịu trách nhiệm cân đối khoảng 4.000 tỷ đồng từ NSĐP 2 tỉnh (Bình Phước và Đăk Nông).
Liên quan đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, trường hợp địa phương không cân đối đủ phần vốn nhà nước tham gia (dự kiến gần 2.944 tỷ đồng), UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Trung ương hỗ trợ một phần để triển khai dự án.
Dự án đường Vành đai 4 – Tp.HCM ghi nhận các đề nghị vốn NSTW hỗ trợ, kết hợp với NSĐP để tham gia, thực hiện dự án. Cụ thể, UBND tỉnh Long An kiến nghị NSĐP tham gia 25%, NSTW tham gia 75%; UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị khoảng 12.400 tỷ đồng NSTW, địa phương cân đối khoảng 1.800 tỷ đồng…
Ngoài vấn đề cân đối vốn nhà nước, các địa phương cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách liên quan.
Điển hình, với cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng: Kiến nghị Thủ tướng cho phép tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập và giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản triển khai theo hình thức đầu tư công. Giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình).
Cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù như: cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; cơ chế liên quan đến việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đánh giá tác động môi trường (cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành).
Đối với đường vành đai 4 – TP.HCM, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương thống nhất về phương án đầu tư phân kỳ, quy mô mặt cắt ngang; tổ chức điều phối chung các dự án thành phần nhằm bảo đảm đồng bộ và hiệu quả; chủ trì phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, điều chỉnh hướng tuyến theo quy hoạch (nếu cần).
Kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tương tự dự án vành đai 3 – TP.HCM. Cho phép UBND tỉnh Long An được sử dụng tiền sử dụng đất từ khai thác quỹ đất quy hoạch dọc 2 bên tuyến cao tốc để thanh toán tiền ứng trước cho nhà đầu tư….
Từ kiến nghị của các địa phương, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng một số nội dung liên quan. Trong đó, đáng chú ý là: giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì tham mưu, báo cáo về khả năng cân đối vốn NSTW tham gia hỗ trợ các dự án PPP do địa phương là cơ quan có thẩm quyền (đặc biệt là 7 dự án đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; hướng dẫn về cơ sở pháp lý trong việc sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP như kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Trị.
Giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quannghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp nhằm bình ổn lãi vay, đặc biệt là mức lãi suất vốn vay đối với dự án đầu tư theo phương thức PPP; các giải pháp bảo đảm tính khả thi huy động vốn vay để đầu tư các dự án đường cao tốc theo phương thức PPP.
Về đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hồi tháng 6/2022, có chiều dài khoảng 113km, đi qua địa phận TP Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh; tổng mức đầu tư khoảng 85.800 tỷ đồng.
Toàn bộ dự án được chia thành 7 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP, chiều dài khoảng 103km, trị giá khoảng 56.500 tỷ đồng, vốn nhà nước khoảng 27.100 tỷ đồng (NSTW khoảng 18.300 tỷ đồng, NSĐP khoảng gần 8.800 tỷ đồng), vốn nhà đầu tư huy động khoảng 29.450 tỷ đồng, do UBND TP Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.
Dự án đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, đang thành lập Hội đồng thẩm định. UBND TP. Hà Nội đang hoàn thiện các thủ tục, phấn đấu khởi công trong tháng 6/2023.
Tweet Theo dõi TheLEADER Từ khóa: dự án cao tốcPPPDự án PPPBộ Giao thông vận tảiĐường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà NộiCao tốc Tân Phú - Bảo Lộcthiếu vốnHuy động vốn