Ninh Bình: 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 51.000 tỷ đồng

6 tháng đầu năm 2023, Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình đạt 50.985,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ninh Bình Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng khá như: linh kiện điện tử; xe ô tô từ 5 chỗ ngồi trở lên; kính máy ảnh

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khả quan

Theo báo cáo của ngành Công Thương Ninh Bình, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong tỉnh các chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn có chiều hướng tăng.

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 (tính theo giá so sánh 2010) toàn tỉnh ước đạt 50.985,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai khoáng đạt 301,2 tỷ đồng, tăng 8,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 50.026,4 tỷ đồng, tăng 5,8%; sản xuất, phân phối điện đạt 497,2 tỷ đồng, tăng 3,9%; cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải đạt 160,7 tỷ đồng, tăng 10,5%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng khá như: Linh kiện điện tử 55,5 triệu cái, tăng 4,3%; xe ô tô từ 5 chỗ ngồi trở lên 25,0 nghìn chiếc, tăng 11,6%; kính máy ảnh 0,9 triệu cái, tăng 35,2%,…

Những kết quả khả quan đó nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, trực tiếp là Sở Công thương đã điều hành linh hoạt, sâu sát và quyết liệt cùng với đó là sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đạt 99.560,2 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm 2021 là: Giày dép các loại 69,7 triệu đôi, tăng 7,4%; modul camera 315,4 triệu cái, tăng 8,4%; xe ô tô chở hàng hóa 10,9 nghìn chiếc, tăng 47,4%;… Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 100 dự án thứ cấp và 256 hộ sản xuất kinh doanh với tổng số lao động là 30.833 lao động. Doanh thu năm 2022 đạt 11.550 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 263 tỷ đồng.

Tập trung giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thời gian từ giờ tới cuối năm có nhiều nhiệm vụ khó khăn đối với ngành Công Thương cũng như các doanh nghiệp, trước hết tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp thứ cấp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp về thu hút lao động, việc làm, thị trường xuất khẩu, thủ tục thông quan và các thủ tục hành chính có liên quan,... Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

sản xuất công nghiệp Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.( Công ty TNHH MCNex Vina )

Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh công tác hướng tuyến đường dây 220kV Gia Viễn - Nam Định và vị trí đặt trạm biến áp 220kV Gia Viễn phục vụ cho tháo dỡ trạm 220kV Ninh Bình và các xuất tuyến đường dây, thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đối với chủ đầu tư trước khi đưa công trình xây dựng đường dây và trạm biến áp vào sử dụng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị sản xuất, tiếp tục triển khai và hoàn thành Kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực Công Thương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023. Triển khai có hiệu quả công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2023; hoàn thành xây dựng đề án khuyến công địa phương và quốc gia năm 2024.

Nhằm duy trì sự phát triển ổn định, bền vững trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngành Công Thương Ninh Bình xác định công tác quy hoạch, định hướng phát triển có vai trò đặc biệt quan trọng. Đề xuất UBND tỉnh phương án phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương tiếp thu, hoàn thiện “Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, sớm hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh xem xét, ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện.

Để ngành công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực, giữ vai trò động lực tăng trưởng của tỉnh Ninh Bình, cần tập trung rà soát cơ chế, chính sách tác động đến ngành công nghiệp, chú trọng vào các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, mở rộng quỹ đất, các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, đặc biệt ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đồng thời tiếp tục triển khai mở rộng các khu công nghiệp và triển khai đầu tư một số cụm công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu...

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.