Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Lãi suất cả thế giới tăng, Việt Nam đã 4 lần giảm

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận, chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua. Việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam…

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 sáng 19/9, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có những chia sẻ về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến hết năm và đầu năm 2024.

Ông khẳng định, chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua. Việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là sau 2 năm đại dịch Covid-19 và tình hình sản xuất của thế giới.

Theo đó, ông Đào Minh Tú cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, thực hiện các mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Đào Minh Tú

Về vấn đề lãi suất, ông Đào Minh Tú nhận thấy điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong khi lãi suất cả thế giới đang tăng thì riêng ở Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời thông qua những công cụ của mình để tạo dư địa, thanh khoản cho thị trường, để các ngân hàng có vốn rẻ cho vay ra thị trường, nới rất rộng công cụ hạn mức tín dụng trong năm 2023.

"Từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã 11 lần điều chỉnh tăng lãi suất và đang duy trì mức 5,5%, cao nhất trong 40 năm qua. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cách đây một tuần cũng đã tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023 và duy trì mức lãi suất 4,5%, mức cao nhất kể từ khi ECB được thành lập", ông Tú thông tin.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, hạn mức tăng trưởng tín dụng chính là công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp.

Ông Đào Minh Tú khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý. Đây cũng là thành công của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành thời gian qua để giữ tỷ giá và lãi suất để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Về việc tiếp cận tín dụng theo Phó Thống đốc phải đánh giá từ hai phía cả từ ngân hàng và người đi vay là các doanh nghiệp bởi vì tín dụng nó là khoản vay có hoàn trả chứ không phải là cấp phát nên nó phải có các điều kiện để đảm bảo an toàn cho khoản vay cũng như với các tổ chức tín dụng.

Trên thực tế, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn như hạ lãi suất điều hành, cho phép giãn hoãn cho các khoản nợ đến hạn, cắt giảm chi phí, thủ tục, điều kiện tiếp cận vốn vay...

Bên cạnh đó, rất nhiều gói chính sách đã được triển khai như gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất; gói 120.000 tỷ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói 15.000 tỷ cho ngành thuỷ sản... cũng giúp hỗ trợ vốn các doanh nghiệp.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.