Reuters vừa dẫn nguồn tin từ Liên đoàn Lúa gạo Myanmar cho biết Myanmar sẽ tạm ngưng xuất khẩu gạo kể từ cuối tháng này nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường nội địa. Myanmar hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới.
Myanmar sẽ tạm thời ngưng xuất khẩu gạo
Hãng tin Reuters vừa dẫn lời một thành viên cấp cao của Liên đoàn Lúa gạo Myanmar (MRF) cho biết “Bắt đầu từ cuối tháng này, chúng tôi (Myanmar) sẽ tạm thời cấm xuất khẩu gạo trong vòng 45 ngày”.
MRF, tiền thân là Hiệp hội Gạo Myanmar, là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc xúc tiến xuất khẩu gạo của Myanmar. Myanmar hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới với khối lượng xuất khẩu đạt 2 triệu tấn/năm.
Reuters cho biết nguyên nhân khiến Myanmar cấm xuất khẩu gạo đến từ việc giá gạo trên thị trường nội địa nước này đang tăng vọt trong thời gian gần đây khiến giới chức nước này lo ngại về việc đảm bảo an ninh lương thực.
Theo đánh giá của các chuyên gia và các hãng kinh doanh gạo quốc tế, mặc dù Chính phủ Myanmar chưa đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về kế hoạch ngưng xuất khẩu gạo nhưng việc thị trường mất đi nguồn cung từ Myanmar sẽ càng khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn và giá gạo có thể lên cao hơn nữa.
Một hãng kinh doanh gạo có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ) chia sẻ: “Mặc dù Myanmar không phải là một quốc gia xuất khẩu gạo quá lớn như Ấn Độ hay Thái Lan nhưng việc nước này siết chặt nguồn cung gạo ra thị trường sẽ khiến những người mua hàng trở nên lo ngại hơn”.
Những thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vừa quyết định áp thuế 20% đối với việc xuất khẩu gạo đồ kể từ ngày 25/8 cho đến ngày 16/10/2023. Trước đó, kể từ ngày 20/7, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ - loại gạo vốn chiếm 80% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước này, khiến thị trường gạo toàn cầu rơi vào cú sốc cung nghiêm trọng.
Giá gạo Việt Nam tiếp tục ở mức cao nhất thế giới
Việc nguồn cung bị siết chặt đã đẩy giá gạo trên toàn cầu tăng hơn 20% kể từ đầu năm đến nay. Theo Reuters, tính đến cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 650 - 660 USD/tấn, so với mức 660 USD/tấn của tuần trước.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 630 USD/tấn, tăng so với mức 615 - 620 USD/tấn của tuần trước. Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ở mức cao nhất thế giới tuần thứ liên tiếp. Đây cũng là những mức giá cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
Xem thêm: "Giá gạo xuất khẩu có thể còn tăng cao nhưng doanh nghiệp gạo đối mặt rủi ro lợi nhuận giảm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Các chuyên gia nhận định giá gạo xuất khẩu của khu vực châu Á sẽ còn tiếp tục tăng lên hoặc, ít nhất, sẽ neo ở mức cao kỷ lục như hiện nay trong một khoảng thời gian. Nguyên nhân chủ yếu do sự không chắc chắn trong hoạt động xuất khẩu gạo của các nước sản xuất lớn; sự suy giảm nguồn gạo tại nhiều nước dưới tác động của hiện tượng El Nino; sự suy giảm nguồn cung ngũ cốc và phân bón khi Nga rút khỏi thoả thuận Sáng kiến Biển Đen; và ngày càng nhiều nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.
Đáng chú ý, giới chức Thái Lan hiện dự báo nguồn cung gạo của nước này trong vụ thu hoạch tháng 11 tới đây có thể giảm đáng kể do tình trạng khô hạn. Từ giữa tháng 5/2023, giới chức Thái Lan đã khuyến cáo nông dân nước này chỉ nên canh tác một vụ lúa duy nhất trong năm nay, thay vì hai vụ như thông thường do lo ngại tình trạng khô hạn cục bộ trong những tháng cuối năm.