Một số chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế vững chắc ở Pháp và Tây Ban Nha cùng sự phục hồi bước đầu ở Đức có thể đủ để xác nhận khu vực đồng Euro đã thoát khỏi suy thoái…
Dữ liệu chính thức mới đây của Văn phòng thống kê quốc gia Pháp cho thấy GDP của nước này đã tăng 0,5% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 so với quý đầu tiên của năm 2023, nhờ vào hoạt động ngoại thương mạnh mẽ.
Tương tự, quốc gia láng giềng Tây Ban Nha cũng đã báo cáo mức tăng trưởng GDP là 0,4%, chỉ yếu hơn một chút so với quý đầu tiên.
Bên cạnh đó, mặc dù nền kinh tế Đức vẫn ghi nhận sự trì trệ, nhưng đã có các tín hiệu cải thiện so với hai quý trước đó - cũng là khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu bắt đầu bước vào suy thoái. “Chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình đã ổn định hơn trong quý 2/2023 sau thời điểm mùa đông 2022 ảm đảm”, văn phòng thống kê Đức cho biết trong một tuyên bố.
Số liệu GDP quý hai cho toàn bộ khu vực đồng Euro sẽ được công bố vào 31/7.
“Chúng tôi kỳ vọng GDP của khu vực đồng Euro sẽ tăng nhẹ sau hai quý suy yếu. Dữ liệu quốc gia được công bố cho đến nay chỉ ra một bất ngờ tích cực, đặc biệt là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên ở Pháp”, công ty phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Nhưng ngay cả khi khu vực này được xác nhận tăng trưởng trở lại sau hai quý liên tiếp bị thu hẹp, thì dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy việc hoạt động kinh tế tăng tốc rõ rệt là khó có thể xảy ra, mặc dù áp lực lạm phát đã giảm bớt và khả năng lãi suất hiện đã ở gần mức cao nhất.
Chỉ 7% các nhà dự báo cho rằng khu vực đồng Euro sẽ phải chịu một cuộc suy thoái khác, hoặc hai quý liên tiếp bị thu hẹp từ nay đến quý 1/2024.
Trong một báo cáo riêng biệt do Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố vào cuối tuần này cho thấy kỳ vọng tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro năm nay không thay đổi ở mức 0,6% so với ba tháng trước, trong khi các dự báo cho năm 2024 đã giảm nhẹ xuống 1,1%.
Lạm phát thấp hơn và tiền lương tăng đang hỗ trợ tiêu dùng nhưng lãi suất cao hơn và sự không chắc chắn về lộ trình lãi suất tiếp theo đang làm chậm hoạt động đầu tư.
“Điều này được coi là kết hợp bởi sự chậm lại do lĩnh vực sản xuất yếu kém, với những cơn gió ngược từ sự phục hồi chậm trễ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia coi khả năng phục hồi của ngành dịch vụ là một phần khắc phục điểm yếu này và do đó nhìn chung duy trì kỳ vọng về tăng trưởng GDP thực tế vào năm 2023”, ECB lưu ý.
Dữ liệu khảo sát được tiết lộ hôm 23/7 chỉ ra rằng hoạt động kinh doanh trong khu vực đồng Euro đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong tám tháng vào tháng Bảy. Kết quả ban đầu về Chỉ số nhà quản lý mua hàng, theo dõi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 48,9 từ 49,9 vào tháng 6. Chỉ số dưới 50 cho thấy sự co lại của hoạt động sản xuất.
Vào hôm 27/5, ECB đã tăng lãi suất trong khu vực lên 3,75%, tương đương với tỷ lệ cao nhất kể từ khi ra mắt đồng tiền chung Euro vào năm 1999 khi ngân hàng nỗ lực làm hạ nhiệt lạm phát.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết: “Chúng tôi có quan điểm cởi mở về những quyết định sẽ đưa ra vào tháng 9 cũng như các cuộc họp tiếp theo. Đồng thời, bà Lagarde cũng lưu ý thêm rằng ECB có thể tăng hoặc giữ nguyên lãi suất, còn việc cắt giảm không hề được xuất hiện trên bàn thảo luận.
Vào đầu tuần này, một thống kê khác của ECB cho thấy nhu cầu vay vốn kinh doanh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong quý 2 năm nay, trong khi đó các ngân hàng đã thắt chặt hơn nữa tiêu chuẩn tín dụng đối với tất cả hạng mục cho vay.