Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ngành vật liệu xây dựng điển hình như xi măng, sắt thép, bê tông, gốm sứ xây dựng... đang lâm vào cảnh khó khăn do thị trường bất động sản “đóng băng”, kỳ vọng ngành vẫn chưa khởi sắc,...
Ngành vật liệu xây dựng điển hình như xi măng, sắt thép, bê tông, gốm sứ xây dựng... đang lâm vào cảnh khó khăn... nếu không được tháo gỡ các doanh nghiệp thậm chí phải đối mặt với nguy cơ phá sản
Điều đáng nói, đầu tư công vốn được coi là nguồn lực dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển thì hiện giải ngân rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm chỉ đạt gần 14,7% kế hoạch năm và đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ 2022 (18,48%).
Trong khi, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ rất khó có đột phá tăng trưởng GDP trong quý 2 năm nay. Điều này càng làm cho ngành vật liệu xây dựng điển hình như xi măng, sắt thép , bê tông, gốm sứ xây dựng... lâm vào cảnh khó khăn do thị trường bất động sản “đóng băng”, khi kỳ vọng vào đầu tư công vẫn chưa khởi sắc, các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa được khơi thông...
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm sản lượng ngành xi măng sụt giảm 20%. Và ngành này đang phải đương đầu với một loạt khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Cái khó lớn nhất đối với ngành xi măng hiện tại là không tiêu thụ được sản phẩm do tắc nghẽn đầu ra, trong đó có sự tắc nghẽn trong xây dựng nhà ở thương mại nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thứ hai là chi phí đầu vào và logistic tăng làm giảm sức cạnh tranh của ngành này. Thứ ba là các giải pháp giảm chi phí, tìm nguồn hỗ trợ từ chính sách, ví dụ như sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu, điện thay thế đang gặp khó khăn về thủ tục triển khai, ưu đãi vay vốn/thuế các ưu đãi khác của Nhà nước,...
Quảng cáo
Thứ tư là thuế xuất khẩu clinker (xi măng dạng thô) đã tăng từ 5% lên 10% cũng dẫn tới gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, hơn một năm qua, các doanh nghiệp ngành thép cũng vật lộn với khó khăn, lợi nhuận sụt giảm. Cụ thể, sản xuất thép thô 4 tháng đạt 5,998 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ; tiêu thụ đạt 6,142 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ; xuất khẩu thép thô giảm 78% so với cùng kỳ 2022 với sản lượng xuất khẩu là 518 ngàn tấn.
Riêng đối với thép xây dựng, sản xuất thép xây dựng 4 tháng đầu năm 2023 đạt 3,447 triệu tấn, giảm 26,4% so với cùng kỳ; bán hàng đạt 3,362 triệu tấn, giảm 26% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt 517 ngàn tấn, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Về giá thép, chỉ mới từ ngày 8/4 đến nay, giá thép trong nước đã có 9 phiên giảm liên tiếp, giá thép đã trở về đáy của 3 năm trước. Ngành thép đang đối diện khó khăn khi giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao, chi phí sản xuất tăng, biên lợi nhuận thép thu hẹp, trong khi nhu cầu thép đang khá yếu dẫn đến giá thép liên tục điều chỉnh giảm.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất bê tông trong nước cũng đối mặt với tình trạng sụt giảm nghiêm trọng do thị trường bất động sản đóng băng, các dự báo nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mặc dù được thúc đẩy nhưng cũng chưa được “khởi động” nhiều. Sản lượng bê tông đầu năm 2023 cũng giống sản lượng của các loại nguyên liệu khác đều đang có sự sụt giảm mạnh.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam thậm chí còn đối mặt với nguy cơ phá sản. Hiệp hội này cho biết, hiện lượng tồn kho nội địa các sản phẩm lên tới 18 –20%, các doanh nghiệp liên tục phải giảm sản xuất.
Nguyên nhân là do thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế nên thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ. Do đó, nếu điều này không được tháo gỡ nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp gốm sứ xây dựng là hiện hữu.