Trong khi các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ đồng loạt ghi nhận giảm sâu, xuất khẩu mặt hàng cá khô, cá hộp được coi là “điểm sáng” trong bức tranh xuất khẩu thủy sản đầu năm 2023.
“Điểm sáng” xuất khẩu cá khô, cá hộp Việt Nam
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đã thông báo kết quả kinh doanh và lợi nhuận kém khả quan trong những tháng đầu năm nay dưới tác động của các bất ổn kinh tế thế giới, lạm phát cao kéo dài tại nhiều thị trường trọng điểm.
Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang các thị trường chủ chốt tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4/2023. Cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm tới 53%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 40%, Trung Quốc giảm 30% và Nhật Bản giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có một số ít thị trường có tín hiệu tăng trưởng tích cực, nổi bật là Ả-rập Xê-út với kim ngạch xuất khẩu tăng 67%, Nga tăng 25%, Israel tăng 21%, Brazil tăng 5%. Đặc biệt, xuất khẩu sang Anh tăng nhẹ 1% mặc dù lạm phát tại đây đang ở mức cao hàng đầu thế giới.
Xét về cơ cấu sản phẩm, tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng âm trong tháng 4/2023. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất 52%, tôm sụt giảm 35%, cá ngừ giảm 38% và mực bạch tuộc giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm từ cá biển khác có diễn biến khả quan hơn khi chỉ giảm nhẹ 6,3% so với cùng kỳ năm 2022; ngoài ra, doanh số xuất khẩu của các sản phẩm cá phile tươi/đông lạnh, chả cá cũng đã giảm xuống.
Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất là cá cơm và cá chỉ vàng
Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu các sản phẩm tươi sống chịu áp lực tiêu cực thì doanh số xuất khẩu cá khô, cá đóng hộp lại ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Tính riêng tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu cá biển khô các loại đạt gần 26 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 4 tháng đầu năm nay, sản phẩm này giúp Việt Nam thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất là cá cơm và cá chỉ vàng, lần lượt chiếm 66% và chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá khô Việt Nam nhiều nhất thời gian qua, chiếm 56% kim ngạch xuất khẩu, theo sau là Nga (chiếm 17%), Malaysia (chiếm 8%), Hồng Kông (Trung Quốc) (chiếm 4%) và Hàn Quốc (chiếm 3%). Ngoại trừ thị trường Malaysia có tốc độ tăng trưởng giảm xuống, cả bốn thị trường còn lại đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tiêu thụ cá khô Việt Nam ở mức cao. Trong đó, tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc lên đến 72% và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 59%.
Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng tăng nhập khẩu cá khô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, như: Đài Loan (Trung Quốc) tăng 45%, Rumani tăng 90%, Australia tăng 10%, Lithuania tăng 61%.
Thay đổi để phù hợp với thị hiếu
VASEP nhận định, diễn biến tích cực của hoạt động xuất khẩu cá khô, cá hộp phản ánh rõ ràng rằng trong môi trường lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán của họ. Sản phẩm tươi/sống đang dần bị thay thế bởi hàng khô và đóng hộp.
“Các nhà cung cấp thủy sản hiện nay ngoài áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn thì còn phải quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm kích thích nhu cầu. Cụ thể, với sản phẩm cá, nhiều nhà phân phối trên thế giới đang chú trọng cung cấp cá đã cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến…” đại diện VASEP chia sẻ.
Thời gian qua, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cũng rất linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, thị trường xuất khẩu phù hợp với diễn biến của năm 2023. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các Hội chợ Thuỷ sản Quốc tế tại Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nhật Bản trong những tháng đầu năm vừa qua nhằm tìm kiếm đối tác cũng như nắm bắt xu hướng thị trường.
Gần 40 doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản uy tín của Việt Nam đã tham gia vào các hoạt động giao thương, tìm kiếm khách hàng và giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm Thuỷ sản toàn cầu tại Barcelona, Tây Ban Nha
Điển hình như Triển lãm Thuỷ sản toàn cầu tại Barcelona, Tây Ban Nha diễn ra vào cuối tháng 4/2023 vừa qua đã thu hút gần 40 doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản uy tín của Việt Nam tham gia, tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp tham gia so với năm 2022.
Trong khuôn khổ Triển lãm, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã có những trao đổi, chia sẻ với đại diện VASEP và các doanh nghiệp về những khó khăn, thách thức, những giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh trong bối cảnh sụt giảm kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường khu vực châu Âu và tăng tường phối hợp, thúc đẩy giao thương trong thời gian sắp tới. Từ đó, giúp các doanh nghiệp nắm rõ hơn những thay đổi thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả hơn.