Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tiêu dùng nội địa

Khuyến khích các sàn thương mại điện tử triển khai chương trình tiêu thụ sản phẩm và hàng hóa sản xuất trong nước. Ảnh: Masan

Trong Chỉ thị số 29 ban hành ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ các giải pháp nhằm tăng cường nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Ông yêu cầu các bộ, ngành xây dựng các chính sách khuyến khích tiêu dùng và đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất có lợi thế cạnh tranh trong nước, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các cơ quan này cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); tăng cường kết nối vùng để giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.

Các hiệp hội ngành hàng cần theo dõi thông tin, nắm bắt nhu cầu thị trường, nhận diện khó khăn của doanh nghiệp, và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với các cơ quan chức năng.

Đối với các tập đoàn và tổng công ty, lãnh đạo Chính phủ khuyến nghị họ đổi mới quản trị, cắt giảm chi phí, hạ giá thành, và ưu tiên sử dụng nguyên liệu, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa, kết nối cung cầu, và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Bộ Công thương được giao nhiệm vụ khuyến khích các sàn thương mại điện tử triển khai chương trình tiêu thụ sản phẩm và hàng hóa sản xuất trong nước.

Đồng thời, bộ này cần thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực và các thị trường nhập khẩu lớn.

Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương cần tính toán các biện pháp kiểm soát chặt hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử, đồng thời đề xuất chính sách thuế nhằm thu hút đầu tư vào sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nội địa chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, con số này chỉ đạt 5,7%. Tính trung bình hai năm qua, chỉ số này chỉ tăng khoảng 7,2% mỗi năm.

Bên cạnh thúc đẩy tiêu dùng nội địa, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, và các rào cản kỹ thuật nhằm tăng cường xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần thúc đẩy việc mở cửa xuất khẩu nông sản chính ngạch sang các thị trường lân cận, đồng thời nhanh chóng đàm phán với Trung Quốc để giảm tỷ lệ kiểm dịch động thực vật, tạo điều kiện thông thoáng cho hàng hóa nông sản Việt Nam vào thị trường này.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ đề ra các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn và bền vững.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tháo gỡ khó khăn về mặt bằng để phục vụ việc thu hút và mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh.

9 giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý thị trường thời gian tới

9 giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý thị trường thời gian tới

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tổ chức/ phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng liên quan triển khai 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm khắc phục những tồn tại, tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý thị trường trên phạm vi cả nước.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.