Theo Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng không thể nắm giữ trên 11% cổ phần của một doanh nghiệp, do đó, Sacombank phải xin một cơ chế đặc biệt để đầu tư vào Bamboo Airways.
Sacombank - chủ nợ lớn của Bamboo Airways có chủ trương đầu tư vào hãng hàng không này và đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận. Thông tin này được ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT Bamboo Airways chia sẻ tại phiên họp bất thường sáng 15/9.
Trước khi gia nhập HĐQT Bamboo Airways, ông Tuệ từng làm Phó tổng giám đốc Sacombank từ năm 2012 và hiện vẫn giữ vai trò thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Là ngân hàng đang tài trợ lớn cho Bamboo Airways, Sacombank thực sự quan tâm đến quá trình tái cấu trúc và kỳ vọng vào sự phát triển của hãng bay này. Theo ông Tuệ, Sacombank là một tổ chức tín dụng nên việc đầu tư vào Bamboo Airways được coi là đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, nhà băng này đang phải xúc tiến các thủ tục, xin cơ quan quản lý chấp thuận mới có thể thực hiện được.
Theo Luật tổ chức tín dụng, mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại vào một doanh nghiệp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.
Trước đó, hồi tháng 5, một ngân hàng cấp khoản vay cho Bamboo Airways là NCB đã quyết định bán nhanh 203 triệu cổ phần của hãng hàng không này đang thế chấp tại nhà băng để sớm thu hồi vốn.
Số cổ phần này khi đó tương đương với 11% vốn của Bamboo Airways. Có thể thấy, NCB đã tính toán để cho vay tối đa theo quy định, trong trường hợp phải thu giữ tài sản đảm bảo thì tỷ lệ sở hữu không vượt quá tỷ lệ cho phép.
Với Sacombank, khoản đầu tư sẽ phức tạp hơn khi ngân hàng muốn tiến sâu vào quá trình tái cơ cấu của Bamboo Airways. Để làm được điều đó, ngân hàng có thể phải xin cơ quan quản lý một cơ chế đặc biệt.
Trong quá khứ, một ngân hàng đã đề xuất đầu tư thành lập hãng hàng không với tỷ lệ nắm giữ 49%. Năm 2016, Techcombank và Vietnam Airlines đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải xin góp vốn thành lập hãng hàng không mới mang tên SkyViet.
Hãng hàng không mới này dự kiến có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ là các máy bay sẵn có. Techcombank thông qua công ty con góp 49% vốn điều lệ. Mặc dù vậy, phương án này sau đó không được thực hiện.
Quay trở lại với Sacombank, ngân hàng hiện là chủ nợ lớn nhất của Bamboo Airways với dư nợ khoảng 3.000 tỷ đồng, theo báo cáo của SSI Research. Mặc dù đây là khoản vay có tài sản bảo đảm và Bamboo Airways vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn.
Tuy nhiên, triển vọng hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways đang bị đặt dấu hỏi lớn, sau khi hãng bay báo lỗ kỷ lục 17.600 tỷ đồng năm ngoái do các khoản đầu tư thời kỳ ban lãnh đạo cũ. Trong trường hợp Bamboo Airways gặp khó khăn về tài chính và không thể trả được nợ, Sacombank sẽ phải ghi nhận các khoản vay trở thành nợ xấu.
Tính tới cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,8% so với mức gần 1% thời điểm đầu năm. Trong trường hợp các khoản nợ của Bamboo Airways thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank có thể sẽ tiếp tục tăng.
Bamboo Airways hiện đang thực hiện quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động, với vai trò đặc biệt của ông Lê Thái Sâm – tân chủ tịch của hãng hàng không này.
Từ năm 2022, để đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của Bamboo Airways, ông Sâm đã ký các hợp đồng cho hãng bay này vay tiền mặt (không lãi suất, lãi thấp và không tài sản đảm bảo). Tính đến hết ngày 10/4/2023, tổng sổ tiền Bamboo Airways đã vay ông Sâm là hơn 7.700 tỷ đồng.
Sau đó, các khoản nợ của ông Sâm đã được hoán đổi thành cổ phần của Bamboo Airways và ông Sâm trở thành cổ đông lớn nhất của hãng bay. Mới đây, Bamboo Airways đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT sau khi các thành viên mới được bầu trước đó 3 tháng từ nhiệm.
Nhận định về việc Sacombank đầu tư vào Bamboo Airways, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá đây là trường hợp phức tạp và tiềm ẩn rủi ro tín dụng đối với Sacombank nếu Bamboo Airways thất bại trong việc tái cơ cấu.
“Do đó, nếu Sacombank được các cơ quan chức năng chấp thuận cho phép tham gia tái cơ cấu Bamboo Airways với tư cách cổ đông chiến lược sẽ là giải pháp “trọn vẹn” nhất với cả hai bên”, báo cáo phân tích của SSI Research đánh giá.
Mặc dù vậy, điểm tích cực là quá trình tái cơ cấu của Bamboo Airways đang nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ. Hồi tháng 8, trong văn bản chỉ đạo hỗ trợ Bamboo Airways, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vấn đề vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện. Đây sẽ là cơ sở để đề xuất của Sacombank tham gia góp vốn vào Bamboo Airways thành hiện thực.
Trước đó, hồi tháng 8/2022, Bamboo Airways công bố ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank sẽ làm cố vấn cấp cao cho HĐQT Bamboo Airways. Ông Minh là một doanh nhân có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Việc ông Minh trở thành cố vấn cao cấp HĐQT Bamboo Airways được kỳ vọng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải tổ, kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo cấp cao của hãng.