Việt Nam góp mặt trong danh sách những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới

Giá dầu có thời điểm đạt đỉnh hơn 100 USD/thùng, mức cao nhất trong 8 năm vào 2022 - thời điểm biến động lớn của thị trường năng lượng toàn cầu…
san-luong-dau-theo-quoc-gia-vao-nam-2022-7838.jpg

Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới kể từ năm 2018 và tiếp tục thống trị vào năm 2022 khi sản xuất gần 18 triệu thùng mỗi ngày. Con số này chiếm gần 1/5 nguồn cung dầu của thế giới.

Gần 3/4 sản lượng dầu của xứ sở cờ hoa tập trung ở 5 tiểu bang: Texas, New Mexico, North Dakota, Alaska và Colorado.

Xếp sau Mỹ về sản lượng dầu là Arab Saudi ở vị trí thứ hai, sản xuất 12 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 13% nguồn cung toàn cầu.

Nga đứng thứ ba với 11 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Cùng với nhau, ba “gã khổng lồ” sản xuất dầu hàng đầu cùng với Canada (thứ 4) và Iraq (thứ 5), chiếm hơn một nửa nguồn cung dầu toàn thế giới.

Trong khi đó, 10 nhà sản xuất hàng đầu, bao gồm cả những nước xếp từ thứ 6 đến thứ 10 là Trung Quốc, UAE, Iran, Brazil và Kuwait, chịu trách nhiệm cho hơn 70% sản lượng dầu của thế giới.

Đáng chú ý, tất cả 10 quốc gia dầu hàng đầu đều tăng sản lượng trong giai đoạn 2021–2022 và kết quả là sản lượng toàn cầu tăng thêm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Đông và Bắc Mỹ lần lượt đều chiếm 1/3 sản lượng dầu toàn cầu. Cộng đồng các quốc gia độc lập - một tổ chức của các nước hậu Liên Xô cũng là nhóm nhà sản xuất dầu lớn khác trong khu vực, chiếm 15% sản lượng của thế giới.

Vào năm 2022, các công ty dầu mỏ quốc tế đã kiếm được gần gấp đôi lợi nhuận và nền kinh tế của các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới có được sự thúc đẩy lớn.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý được nhận thấy là tỷ trọng sản xuất dầu của châu Âu đang giảm dần, hiện chỉ vào 3% nguồn cung của thế giới. Trong 20 năm qua, sản lượng dầu của EU đã giảm hơn 50% do nhiều yếu tố, bao gồm các quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường và việc chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) đã có tỷ trọng sản lượng dầu tăng lên, chiếm hơn một nửa nguồn cung của thế giới.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam, Thái Lan, Brunei, Indonesia và Malaysia là những quốc gia có tham gia vào thị trường xuất khẩu dầu mỏ toàn cầu.

Vì đây là huyết mạch của nền kinh tế hiện đại nên những quốc gia kiểm soát lượng sản xuất dầu đáng kể cũng thu được những lợi ích kinh tế và chính trị to lớn.

Đồng thời, các nỗ lực không ngừng trong xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo đang thúc đẩy nhiều nhà xuất khẩu dầu lớn phải tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của họ. Một ví dụ phải kể đến chính là Arab Saudi, quốc gia sở hữu một quỹ đầu tư lớn với nhiều thương vụ rót vốn vào các công ty quốc tế có tiếng như Uber hay WeWork.

Tuy nhiên, dầu mỏ vẫn là một nguồn cung quan trọng đối với thế giới vì nó cung cấp cho gần 1/3 nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.