TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, thu hút nhiều lao động nhập cư. Tuy nhiên, hiện nay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và cấp bách của lực lượng lao động này.
TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, thu hút nhiều lao động nhập cư. Tuy nhiên, hiện nay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và cấp bách của lực lượng lao động này.
Dành dụm 10 năm vẫn không mua được nhà
Năm 2012, anh Nguyễn Văn Long (quê Cà Mau) cùng gia đình đến TPHCM sinh sống và làm việc. Đến nay đã 10 năm trôi qua, anh Long cho biết mình vẫn chưa thể mua nổi căn nhà ở vừa túi tiền, tức dưới 35 triệu đồng/m2, dù 2 vợ chồng dành dụm và chi tiêu dè dặt.
Câu chuyện trên không phải chỉ riêng gia đình anh Long, đây cũng là câu chuyện của rất nhiều người dân nhập cư đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Dù “thắt lưng, buộc bụng” trong chi tiêu, sinh hoạt, song, đa số những người lao động nhập cư, người thu nhập thấp ở TPHCM vẫn chưa thể sở hữu một nơi ở đúng nghĩa.
Anh Lê Trọng Huy (quê Bến Tre) đang sinh sống tại quận 11 cho biết, từ những năm 2013 anh đã lên TPHCM lập nghiệp rồi lập gia đình. Đến thời điểm hiện tại, hai vợ chồng tích góp trong tay một khoản tiền hơn 1,2 tỷ đồng, dự tính phải vay ngân hàng và người thân ở quê, anh mong muốn mua căn hộ khoảng dưới 2 tỷ đồng tại TPHCM để thuận lợi cho công việc và gia đình. Thế nhưng, anh vẫn chưa thể tìm được căn hộ nào vừa túi tiền bởi mức giá đã không còn trong tầm với.
"Hiện nay, với khoảng trên dưới 2 tỷ đồng mà muốn mua căn hộ chung cư ở TPHCM để tiện đi lại công việc là không có, trừ khi đi mua những căn hộ cũ nhưng lại lo về chất lượng vì chủ đầu tư đã bàn giao từ lâu", anh Huy nói và cũng cho biết, vợ chồng anh dự định ra khu vực vùng ven TPHCM như ở Bình Dương hoặc Long An bởi giá cả tốt hơn, tuy có hơi xa nhưng cũng đành phải chấp nhận vì không có tiền.
Tại TPHCM, thị trường bất động sản mới phục hồi sau khủng hoảng từ năm 2014 và phát triển sôi động trong giai đoạn năm 2015 - 2019, các phân khúc liên tục tăng giá và thiết lập mặt bằng giá mới.
Những năm 2015, căn hộ hạng C có mức giá trung bình khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2, đến năm 2019 tăng lên xấp xỉ 25 triệu đồng/m2. Sang năm 2020, dù tình hình thị trường khó khăn, nhưng loại hình căn hộ có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 đã gần như biến mất. Và đến năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng thị trường đã không còn căn hộ với mức giá 35 triệu đồng/m2.
Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và cấp bách của xã hội. Ảnh minh họa.
Khan hiếm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Đánh giá thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Xây dựng cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có nhiều chuyển biến.
Cụ thể, năm 2021, có 172 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với quy mô 24.027 căn, bằng khoảng 60% số dự án và 42% số lượng căn so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành vẫn hạn chế với khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021, cho thấy chưa có sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại.
Về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đến nay, tổng số dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành là 279 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,4 triệu m2; đang tiếp tục triển 355 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 377.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,84 triệu m2.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước hoàn thành 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000m2 sàn xây dựng.
Trong đó, dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị hoàn thành 12 dự án, quy mô xây dựng khoảng 5.480 căn với tổng diện tích khoảng 274.000m2; riêng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 01 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 400 căn hộ, với tổng diện tích 21.500 m2.
Các địa phương đã khởi công 11 dự án với tổng số khoảng 25.675 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850m2.
Riêng TPHCM thực hiện được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội đạt 75% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và đã khởi công 5 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong 6 tháng đầu năm 2022 với kế hoạch phát triển 35.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025. Tuy nhiên, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và cấp bách của xã hội.
Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động TPHCM, công nhân lao động ngành may mặc chỉ có thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/tháng. Trong đó, 21% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng; 40% có thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng; 16% có thu nhập 8 - 12 triệu đồng/tháng; chỉ có 3% có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng và chỉ có 22,3% cho rằng có dư dả chút đỉnh; có 15,8% chỉ vừa đủ chi phí sống, nhưng có đến 41% cho biết thu nhập không đủ sống. Vì vậy, đa số công nhân lao động chỉ có thể thuê phòng trọ với giá thuê khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng và chi phí thuê chỗ ở chiếm khoảng trên dưới 20% tổng thu nhập.
Có khoảng 60% công nhân lao động nhập cư thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình với 34.800 công trình nhà trọ với 357.246 phòng trọ cho thuê có tổng diện tích sàn xây dựng 6.275.913m2 có thể giải quyết được nhu cầu thuê chỗ ở cho 943.341 người.
Bên cạnh đó, còn có 25.670 nhà dân được ngăn chia thành phòng trọ với tổng số 202.973 phòng cho thuê có tổng diện tích sàn xây dựng 3.193.186m2 có thể giải quyết được nhu cầu thuê chỗ ở cho 486.726 người.
Do vậy, rất cần bổ sung quy định tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ để đảm bảo chất lượng xây dựng phòng trọ, an toàn phòng cháy chữa cháy, có các tiện ích tối thiểu phục vụ công nhân lao động thuê ở và cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các chủ nhà trọ.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, các chỉ dấu trên đây đã cho thấy thị trường bất động sản phát triển chưa cân đối, chưa an toàn, chưa lành mạnh, chưa bền vững và chưa thực sự đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư.