Đây là nội dung được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin tại buổi hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN...
Cụ thể, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, cơ quan này định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trước yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, ông Tú cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng bằng 4 biện pháp chính.
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Quảng cáo
Thứ hai, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng của Công ty Tài chính HD Saison và Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi.
Thứ ba, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các Hội nghị tín dụng chuyên đề (doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực,…)... nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Thứ tư, tích cực triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Điều đáng nói, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022. Trong khi, tại thời điểm cuối quý 1/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 4,03%.
Về tín dụng bất động sản, ông Tú thông tin, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước triển khai.
Riêng với chương trình 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 1/4/2023. Về phía Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.