Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: Doanh nghiệp cần vốn, nhưng không dám vay

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng đói vốn, cần vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, song các doanh nghiệp lại không dám vay…

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy các ngành sản xuất chủ lực đều xuất khẩu sụt giảm, dẫn đến tăng trưởng của thành phố thấp kỷ lục.

Cụ thể, ngành dệt may tăng trưởng giảm, ngành thủy sản xuất khẩu giảm 30%, ngành gỗ giảm 40%, bất động sản “đóng băng” kéo theo hệ lụy các lĩnh vực sắt thép, xi măng đóng băng 90%, hoạt động kinh doanh dường như khựng lại…

Thực tế, các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn. Hiện nay, phải thừa nhận phía cầu đang giảm, làm ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh mà có nhu cầu vay để cầm cự.

Phát biểu tại tọa đàm “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng: “Các ngân hàng cần có chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn nhưng với lãi suất trên 10% thì không có doanh nghiệp nào dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay”. doanh nghiệpÔng Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Vì thế, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có chính sách sâu hơn cho dòng vốn dài hạn và cần có giải pháp kéo lãi suất xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới dám vay.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần phải tính lại thế chấp tài sản, định giá tài sản, chia sẻ, kéo giảm lãi suất, phải “mềm hóa” việc thế chấp, định giá tài sản. Bởi, nhiều doanh nghiệp có đất đai nhưng thủ tục pháp lý kéo dài nên khó thế chấp.

Đồng ý kiến với Chủ tịch HUBA, tại tọa đàm này, ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi, cho biết, thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng ở mức rất cao, trong khi doanh nghiệp sản xuất nếu quản lý tốt thì lãi ròng chỉ đạt khoảng 6-7%.

“Vì vậy, để phát triển nền công nghiệp phụ trợ, nhà nước phải là “bà đỡ”, từ đó xây dựng nền công nghiệp tự cường, không để doanh nghiệp tự bơi”, ông Lâm phát biểu.

Cụ thể, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về lãi suất, cũng như mở rộng điều kiện cho vay. Bên cạnh cho vay dựa vào tài sản thế chấp là nhà xưởng, thì ngân hàng cân nhắc cho vay dựa trên hợp đồng doanh nghiệp thuê đất dài hạn 50 năm ở các khu công nghiệp để xây nhà xưởng và sản xuất kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.