Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần chi tiết về tác động môi trường

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần chi tiết về tác động môi trường

Vấn đề an toàn môi trường trong lĩnh vực dầu khí thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Theo một số chuyên gia, dự thảo chưa quy định cụ thể về trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường.

dau-khi.jpgTS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh điều hành hội thảo.

Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh vừa phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí và được bổ sung, sửa đổi vào năm 2000 và năm 2008 để từng bước hoàn thiện.

Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh với Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật; quy định chưa phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác.

Theo ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng cần làm rõ, bổ sung vào trong Luật Dầu khí trách nhiệm của các bên khi có sự cố môi trường. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải xây dựng, trình cơ quan quản lý thẩm định phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp các sự cố môi trường; triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường sau khi được phê duyệt.

Với chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, ông Phạm Văn Sơn cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm kiểm tra trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí; phải thực hành, diễn tập kiểm tra đánh giá thực tế trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường; cần phải kiểm tra thực tế việc triển khai kế hoạch của tổ chức, cá nhân sau khi thẩm định phê duyệt.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam - Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng, nên quy định cụ thể trong luật vấn đề liên quan tới sự cố môi trường; đồng thời, cần chú trọng việc xây dựng đi vào thực thi, giám sát.

TS. Đoàn Văn Thuần - Viện Dầu khí Việt Nam bổ sung thêm, trước mắt Luật Dầu khí đang sửa đổi nên có điều khoản khuyến khích các nhà đầu tư giảm thải phát thải khí nhà kính, trong đó có thu và lưu giữ CO2.

Theo TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã nhiều lần điều chỉnh, trong 6 nhóm chính sách, đã phần nào đáp ứng được mục tiêu ưu đãi, thu hút, loại bỏ nhiều rào cản thu hút đầu tư; về những chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.

Tuy nhiên, Dự thảo luật mới cũng cần phải cân nhắc, xem xét bổ sung về chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí như cần phải bổ sung thêm điều kiện ưu đãi.

Trong Luật Dầu khí mới cần phải đề cập đến việc có đặc thù riêng cho việc lựa chon nhà thầu cung cấp dịch vụ cho hoạt động dầu khí bởi vì việc áp dụng Luật Đấu thầu trong hoạt động dầu khí cần được linh hoạt, mở rộng, phải có những ứng xử cho phù hợp: Hầu hết các dự án tìm kiếm thăm dò không sử dụng vốn trong nước, một số hoạt động nằm trong vùng nhạy cảm chính trị (không đấu thầu quốc tế rộng rãi, chỉ đấu thầu trong nước), các hoạt động dầu khí chủ yếu nằm trong khu vực xa bờ, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trong một tổ hợp cần phải có sự dung hoà.

Bên cạnh đó, trong Dự thảo Luật cần có định nghĩa về khai thác tận thu trong hoạt động dầu khí; cần phải thực hiện theo nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và nước chủ nhà…

Đồng tình với việc cần có quy định về thu hồi ưu đãi, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh bổ sung, cần có thêm quy định mang tính chất “thưởng ưu đãi” trong thăm dò, khai thác dầu khí. Nếu như nhà đầu tư mang lại “chiếc bánh to hơn” có thể xem xét kéo dài ưu đãi.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.