Hiện nay, hình thức du lịch nông nghiệp nông thông đang rất được du khách ưa chuộng, nhưng chính sách phát triển loại hình này chưa đáp ứng tốt dù có lượng tài nguyên lớn...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế giá trị phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Đồng thời, nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng bổ sung nội dung này vào phát triển của từng vùng.
Qua thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động trải dài từ miền Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch. Nông lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP nhờ vào du lịch.
Theo Bộ trưởng, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác.
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế. Nhiều địa phương chưa nhìn thấy hết tiềm năng từ loại hình du lịch này và chưa hình dung hết, còn thiếu quan tâm.
“Không ít điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa chia sẻ với cộng đồng; hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng; cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa thể trở thành động lực để phát triển một ngành du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang lại giá trị cuộc sống”, ông Hoan chỉ rõ.
Trên tinh thần đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
Thứ nhất, đây là thời điểm quan trọng để thay đổi tư duy về tầm quan trọng của giá trị tích hợp du lịch nông nghiệp, nông thôn, một phân ngành của kinh tế du lịch. Với cách tiếp cận này, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét chính thức đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn vào chương trình du lịch quốc gia để quảng bá và kích hoạt tài nguyên du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, tư duy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần phải theo hướng "đa dạng trong sự thống nhất, đa dạng về sản phẩm, điểm đến gắn với đặc trưng vùng miền, nhưng thống nhất về chiến lược kết nối và hỗ trợ".
Thứ hai, vấn đề quy hoạch cần phải được quan tâm, đặc biệt là đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một loại hình du lịch chính trong Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia.
Thứ ba, Việt Nam cần phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong đó, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao.
Thứ tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên tăng cường kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và có sức hấp dẫn. Đẩy mạnh sự kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành.
Thứ năm, nông nghiệp du lịch cần thay đổi cách thức về quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn ở cả tầm quốc gia và địa phương Bên cạnh các hoạt động xúc tiến khách du lịch lữ hành, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng cần trở thành một điểm nhấn, một sự kiện trọng tẩm ở tầm quốc gia.
Thứ sáu, ngành phải tập trung tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển. Đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch.
Cùng với đó, sự đa dạng và đặc thù của du lịch nông nghiệp, nông thôn yêu cầu mỗi địa phương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, dựa trên điều kiện và yêu cầu của từng địa phương, từng loại hình du lịch. Các chính sách hỗ trợ về phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường... cũng phải được xem xét, lồng ghép để hỗ trợ, hình thành các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn.