Hoa Kỳ sẽ chia sẻ các công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 thông qua Tổ chức Y tế Thế giới và nỗ lực mở rộng phương pháp điều trị khác cho những nhóm dân số khó tiếp cận.
Hội nghị Thượng đỉnh Covid-19 toàn cầu lần thứ 2 do Hoa Kỳ, Belize, Đức, Indonesia và Senegal đồng đăng cai, được tổ chức vào 12/5 để các nước thảo luận về nỗ lực chấm dứt đại dịch và chuẩn bị cho các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai. Ít nhất 14 quốc gia khác cũng như WHO, Ủy ban Châu Âu, các công ty khu vực tư nhân như Google và các tổ chức phi chính phủ, tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Chương trình được thiết lập để xây dựng dựa trên những nỗ lực và cam kết được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên vào tháng 9/2021, bao gồm việc giúp thêm nhiều người được tiêm chủng, gửi xét nghiệm và phương pháp điều trị cho các nhóm dân số có nguy cơ cao, mở rộng các biện pháp bảo vệ cho nhân viên y tế và tạo nguồn tài chính cho việc chuẩn bị cho những đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.
Nhà Trắng cho biết họ đã có được hơn 3 tỷ USD tài trợ mới để chống lại đại dịch, bao gồm hơn 2 tỷ USD để ứng phó ngay lập tức và 962 triệu USD cam kết với quỹ chuẩn bị cho đại dịch của Ngân hàng Thế giới.
Liên minh châu Âu cho biết họ đang cung cấp 300 triệu euro để hỗ trợ tiêm chủng và 450 triệu USD cho quỹ chuẩn bị. Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện và khu vực tư nhân đã thực hiện hơn 700 triệu USD trong các cam kết mới.
Một số nhà sản xuất thuốc sản xuất thuốc điều trị Paxlovid của Pfizer đã đồng ý bán thuốc này ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình với giá 25 USD/một liệu trình hoặc thấp hơn, Clinton Health Access Initiative (CHAI) cho biết tại sự kiện.
"Hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội để đổi mới các nỗ lực, để giữ vững chân khí khi nói đến việc kiểm soát đại dịch và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai", TT Mỹ Biden phát biểu khai mạc. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới xem xét cách các quốc gia của họ có thể đóng góp hơn nữa vào ứng phó với đại dịch toàn cầu.
Quảng cáo
"Đó là lý do tại sao tôi tiếp tục kêu gọi Quốc hội Mỹ thực hiện hành động khẩn cấp để cung cấp tài trợ,” ông nói. “Trong đó bao gồm 5 triệu USD để duy trì quan hệ đối tác toàn cầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch, để duy trì nỗ lực để đưa vaccine tới cho mọi người trên khắp thế giới."
TT Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cung cấp hơn 22,5 tỷ USD cho quỹ ứng phó Covid-19 bổ sung, bao gồm 5 tỷ USD cho viện trợ quốc tế, nhưng các nhà lập pháp đã không thông qua bất kỳ dự luật tài trợ nào và những người đàm phán đã không thể thống nhất về cách chi trả cho phản ứng toàn cầu.
Trong khi nguồn tài trợ bổ sung của Hoa Kỳ có thể gặp khó khăn, cam kết chia sẻ 11 công nghệ Covid-19 với Nhóm Bằng sáng chế Thuốc (MPP) do Liên Hợp Quốc hỗ trợ sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận với vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, WHO cho biết.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: “Thông qua việc chia sẻ và trao quyền cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn để sản xuất các công cụ y tế của riêng họ, chúng tôi có thể đảm bảo một tương lai khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người”.
Các công nghệ này sẽ được Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cấp phép cho Nhóm Tiếp cận Công nghệ Covid-19 (C-TAP) của WHO và MPP, các sáng kiến được thiết lập để chia sẻ bí quyết với các nhà sản xuất trên toàn thế giới. Các nhà khoa học tại NIH đã làm việc với Moderna để phát triển vaccine.
Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 500 triệu liều vaccine cho hơn 100 quốc gia như một phần trong số 1,2 tỷ liều mà nước này cam kết tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 9/2021 và đã cam kết tài trợ hơn 19 tỷ USD cho vaccine, xét nghiệm, điều trị và các hình thức khác.
"Vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đại dịch này vẫn chưa kết thúc", TT Biden nhấn mạnh. "Hôm nay, Hoa Kỳ đánh dấu một cột mốc bi thảm với 1 triệu người tử vong vì Covid-19, 1 triệu chiếc ghế trống xung quanh bàn ăn tối của các gia đình trên khắp Hoa Kỳ. Đây là điều không thể nào thay thế được.”