Kinh tế báo chí: Vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt

Cuộc Cách mạng 4.0 đang tác động ngày càng sâu sắc đến nền báo chí thế giới cũng như Việt Nam. Tác động rõ nhất là sự phát triển công nghệ 4.0 trong truyền thông đang đẩy mọi cơ quan báo chí vào một vòng xoáy đa cạnh tranh khốc liệt.

Vấn đề cạnh tranh không chỉ là giữa các cơ quan báo chí với nhau mà còn giữa báo chí với các nền tảng cung cấp thông tin đa công nghệ. Bài toán đầu tiên đối với báo chí vẫn là “tiền đâu” hay nói cách khác là kinh tế báo chí đang gặp phải vấn đề “khó chồng thêm khó”.

Cạnh tranh khốc liệt từ các “gã khổng lồ”

Vào mùa hè năm 2019, một báo cáo dài 623 trang, gần như một bản “bách khoa toàn thư” về ngành báo chí hiện đại được đặt lên bàn làm việc của Thủ tướng Australia. Hầu hết những người thường xuyên theo dõi tin tức không để ý tới báo cáo, nhưng trong đó chứa đầy biểu đồ thể hiện sự đi xuống của báo chí trong một thập kỷ vừa qua. Báo cáo này, được thực hiện bởi các cơ quan quản lý của Australia, cho thấy rõ nguyên nhân khiến báo chí đi xuống: sự độc quyền gần như hoàn toàn của Google và Facebook.

Kể từ khi báo cáo được công bố, đã có nhiều động thái ở nhiều nước, có thể thay đổi cán cân quyền lực giữa các tập đoàn công nghệ lớn (còn gọi là "big tech") và báo chí mà ở đây là các gã khổng lồ Google, Facebook.

Bản báo cáo trên chỉ rõ, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, khoảng 1.000 tờ báo ở Mỹ đã phải đóng cửa. Báo chí những nơi khác cũng chẳng khá hơn là bao khi phải liên tục cắt giảm việc làm. Đợt cắt giảm việc làm lớn gần đây nhất có thể có nguyên nhân trực tiếp là dịch COVID-19. Tháng 5/2020, Vice Media, từng nổi tiếng tăng trưởng nhanh, phải sa thải 155 nhân viên; Quartz sa thải 80 nhân viên.

Đặc biệt, chỉ trong hai tuần vào thời điểm trên, khoảng 2.100 việc làm báo chí bị mất. Đa phần không phải ở báo in vốn đã có nhiều đợt sa thải, mà là ở các cơ quan thuần túy trên Internet. BuzzFeed sa thải 220 nhân viên, tức 15% nhân sự, bao gồm ở tòa soạn New York.

Sự đi xuống của báo in trong thập kỷ qua là khá "tàn khốc" và đã được ghi nhận từ lâu, do các nhà quảng cáo và độc giả ngày càng chuyển sang Internet, theo Guardian. Giai đoạn 2008-2017, số việc làm ở các tờ báo Mỹ giảm 45%, xuống 39.000. Tính toàn bộ việc làm báo chí ở Mỹ, bao gồm cả truyền hình và phát thanh, con số đó giảm 23%. Không chỉ ở Mỹ, mà ở Australia, từ năm 2014-2018, số phóng viên báo in đã giảm 20%.

aria-grand-700x300px.jpg

Theo kết quả thống kê từ báo cáo nghiên cứu về thị trường và xu hướng quảng cáo trong năm 2022 của Công ty Zenith nghiên cứu thị trường số nổi tiếng trên thế giới, quảng cáo ở trên các nền mạng xã hội sẽ là kênh quảng cáo có sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2021-2024 với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm ước đạt 14.8%, xếp sau là quảng cáo trên các nội dung video trực tuyến đạt 14%.

Kinh tế báo chí: Vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt 2Cách mạng 4.0 đang tác động ngày càng sâu sắc đến nền báo chí thế giới.

Thu phí độc giả: Xu thế tất yếu của báo chí 4.0

Để chống lại các “gã khổng lồ”, ngoài biện pháp đề nghị các chính phủ “siết” cơ chế, chính sách quảng cáo nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã phải tìm nguồn thu khác với xu hướng bắt buộc: Thu phí độc giả!

Những năm gần đây, thói quen đọc báo của độc giả dần chuyển từ loại hình báo in truyền thống sang đọc báo điện tử. Phần lớn số lượng page views của báo điện tử ngày nay là tới từ các thiết bị di động. Bởi vậy việc áp dụng Paywall và thu phí dịch vụ là một hướng đi mà mọi tờ báo có thể tính đến. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng đến vậy.

Năm 2007, hai năm sau khi chính thức triển khai dịch vụ thu phí, New York Times đã hủy dịch vụ này, do số tiền thu phí không bù được khoản doanh thu bị thâm hụt do mất đi từ quảng cáo trên trang miễn phí trước đó. Tuy vậy, tạp chí này đã bắt đầu thu phí lại từ ngày 28/3/2011, nhưng có điều chỉnh bằng cách cho miễn phí một số tin bài nhất định. Cụ thế, trang chủ và các chuyên mục ở trang nhất không bị giới hạn, nhưng nếu người dùng truy cập quá 10-20 bài mỗi tháng, họ sẽ phải trả tiền.

Ở Trung Quốc, một số tờ báo thử nghiệm mô hình thanh toán trực tuyến cũng kết thúc thất bại. Ví dụ, Nhật báo Ôn Châu, Tin tức Tiêu Tương buổi sáng (ở Hồ Nam), Nhật báo Nam Phương đô thị và nhiều cơ quan truyền thông khác đã thực hiện các dịch vụ thu phí, nhưng cuối cùng đều phải hủy bỏ do sự sụt giảm nghiêm trọng lượng độc giả.

Năm 2019, Financial Times đã đạt kỷ lục một triệu người đăng ký trả phí, mức cao nhất mọi thời đại. Thậm chí tốt hơn đối với tờ báo này là khoảng 75% là người đăng ký kỹ thuật số và khoảng 70% là độc giả sống bên ngoài Vương quốc Anh.

Hãng tin Reuters - một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới chuyên cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho các tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác cũng lên kế hoạch thiết lập hệ thống Paywall. Theo đó, kể từ tháng 2-2020, hãng tin này sẽ áp dụng thu phí độc giả đối với tất cả các bài viết thuộc một số chủ đề cụ thể như năng lượng, phát triển bền vững và những bài viết mang quan điểm của Reuters trong mục Breaking Views.

The Globe and Mail (Canada) cũng là một trong những cơ quan báo chí thành công trong việc thu phí online với lượng độc giả thường xuyên (unique visitor) truy cập vào website, cũng như qua ứng dụng trên thiết bị di động là 2,8 triệu người mỗi tháng. “Càng nghiên cứu sâu hơn độc giả của mình, chúng tôi càng nhận ra rằng họ sẵn sàng trả tiền để được đọc những nội dung có giá trị,” ông John Stackhouse, Tổng biên tập The Globe and Mail chia sẻ.

Kinh tế báo chí: Vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt 3

Thu phí trực tuyến báo chí là việc làm cần thiết đối với xu thế báo chí hiện đại.

Tại Việt Nam, hiện nay, người đọc Việt Nam chưa quen với việc phải cung cấp thông tin thẻ tín dụng cho các trang thông tin mà họ cho rằng không an toàn về mặt an ninh. Cách thức đơn giản nhất được áp dụng từ nhiều năm nay là phối hợp với các nhà mạng. Tuy cách này đơn giản cho người dùng, nhưng lại phức tạp trong việc phân chia doanh thu, lợi nhuận. Mặc dù vậy, việc thu phí độc giả đối với các nền tảng phát trên internet (báo điện tử và cả truyền hình, phát thanh)… cũng được dự báo là xu hướng bắt buộc.

Việc Vietnamplus, Ngày Nay và Vietnamnet là những cơ quan báo chí tiên phong áp dụng thu phí trực tuyến báo chí trong thời gian gần đây được đánh giá việc làm cần thiết đối với xu thế báo chí hiện đại. “Sống trong một thời đại mà tất cả mọi thứ đều được “số hoá”, mỗi tờ báo chắc chắn sẽ không bỏ qua mỏ vàng trên internet.

Tuy nhiên, học theo thành công của New York Times, hay gục ngã như vô vàn các doanh nghiệp internet ở cả trong nước và nước ngoài lại phụ thuộc rất lớn vào tình hình, thói quen độc giả, và cả chiến lược lâu dài mà mỗi tờ báo đặt ra”, một chuyên gia về truyền thông báo chí chia sẻ.

Theo kết quả thống kê từ báo cáo nghiên cứu về thị trường và xu hướng quảng cáo trong năm 2022 của Công ty Zenith nghiên cứu thị trường số nổi tiếng trên thế giới, quảng cáo ở trên các nền mạng xã hội sẽ là kênh quảng cáo có sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2021-2024 với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm ước đạt 14.8%, xếp sau là quảng cáo trên các nội dung video trực tuyến đạt 14%.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đổ tiền vào quảng cáo trên mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm. Điều này khiến doanh thu quảng cáo báo chí, truyền hình sụt giảm nghiêm trọng.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.