Mới đây, UBND tỉnh Long AN vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Theo đó, dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) có chiều dài 62 km bao gồm gần 40 km đường cao tốc và các tuyến đường nối, trong đó, đoạn cao tốc qua Long An dài gần 23 km với quy mô 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 10.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Đến nay, tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đã quá tải với trên 50.000 lượt xe/ngày đêm.
Từ năm 2019 đến nay, cao tốc TP HCM – Trung Lương dừng thu phí khiến lượng phương tiện lưu thông tăng cao. Đồng thời, hiện nay tuyến đường này cũng đang dần xuống cấp, năng lực thông hành không còn bảo đảm do nhu cầu vận tải lớn, tốc độ lưu thông hạn chế, chỉ khoảng 60 - 70 km/h.
Mặt khác, hiện nay, Chính phủ đang đẩy nhanh việc đầu tư các dự án cao tốc như: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh,… trong giai đoạn 2021 - 2025 khiến áp lực giao thông trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, từ ngày 30/4, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với chiều dài hơn 51 km chính thức đưa vào khai thác đấu nối vào tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương càng khiến áp lực giao thông ngày càng lớn cho tuyến cao tốc này.
Do đó, tỉnh Long An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư giai đoạn 2, tuyến cao tốc TP HCM với quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp (đầu tư thêm 4 làn cao tốc).
Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư nút giao tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức để bảo đảm tính kết nối, phát huy hiệu quả với đường Vành đai 3 đang chuẩn bị đầu tư và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đang đầu tư.
Liên quan đến việc đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP HCM - Trung Lương, vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng có văn bản tham mưu UBND TP HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đầu tư mở rộng cao tốc này.
Theo văn bản trên, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP HCM xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp cùng các bộ ngành và các tỉnh, thành phố liên quan gồm TP HCM, Long An, Tiền Giang để thống nhất kế hoạch, phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương theo hình thức đối tác công tư (PPP) và giao cho một địa phương nơi có tuyến cao tốc đi qua làm cơ quan có thẩm quyền.
Trong giai đoạn 1, dự án đã đầu tư tuyến chính 4 làn xe cơ giới và hai làn dừng khẩn cấp; tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm đã đầu tư 4 làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp. Việc giải phóng mặt bằng được thực hiện theo mặt cắt ngang quy hoạch, rất thuận lợi cho việc đầu tư mở rộng sau này.