Nghịch lý đầu tư nhà ở xã hội: Doanh nghiệp muốn làm cũng không được!

Thủ tục triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội đang bộc lộ nhiều tồn tại gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp muốn đầu tư.

Doanh nghiệp bị làm khó???

Đã quá thời hạn trả kết quả khoảng 300 ngày, nhưng theo thông tin từ Công ty TNHH Hòa Bình cho biết, UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa có câu trả lời về việc cấp chủ trương đầu tư cho 2 dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp này tại các địa chỉ 393 Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng và số 4 - 6 - 8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, Thanh Trì, Hoàng Mai.

Cụ thể, từ tháng 12/2021, Công ty TNHH Hòa Bình đã làm việc với Hà Nội xin chủ trương đầu tư dự án. Hai khu đất thực hiện dự án không nợ tiền thuế đất đối với nhà nước, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về quản lý sử dụng đất. Tuy nhiên hiện tại, UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa cấp chủ trương đầu tư cho liên danh công ty triển khai 2 dự án nhà ở xã hội nêu trên.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình cho biết, chính việc chậm trễ về thủ tục này đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn. Hiện dự án vẫn dậm chân tại chỗ, chưa đầy đủ thủ tục pháp lý để triển khai, gây thiệt hại về kinh tế cho chủ đầu tư, người lao động không có việc làm. Trong khi đó, theo quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chậm nhất 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, UBND thành phố Hà Nội phải thông báo kết quả về việc cấp chủ trương đầu tư 02 dự án nhà ở xã hội nêu trên.

Tại một hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp tổ chức gần đây, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam cũng cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.

Hiện Him Lam có hai dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo, nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục.

"Các doanh nghiệp đều tha thiết với việc làm nhà ở xã hội, có nghề, có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó. Thủ tục dự án vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…," ông Minh nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thủ tục pháp lý đang là nút thắt lớn nhất đối với nhà ở xã hội. Việc làm thủ tục dự án mất khoảng từ 2 - 3 năm, thậm chí gặp khó khăn hơn cả so với đầu tư nhà ở thương mại. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, chính quyền đang có dấu hiệu chậm trễ trong quá trình phê duyệt thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đầu tháng 8/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh về nhiệm vụ từ nay đến năm 2030, cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu này, về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng đã chỉ đạo lập, phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030). Đây được coi là động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trước thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp hiện nay.

Hướng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian gần đây, thị trường bất động sản đón nhận những chuyển biến lớn khi nhiều doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi đã tuyên bố sẽ tham gia phát triển nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp như Vingroup, Novaland, Him Lam, Công ty TNHH Hòa Bình... Song, thực tế cho thấy, những vướng mắc của phân khúc nhà ở này vẫn còn rất lớn.

"Nút thắt" thủ tục hành chính

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng từng nhận định, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn kéo dài thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.

Nhận định về thực trạng này, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, chính các địa phương không quá “mặn mà” với nhà ở xã hội có thể lý giải rằng loại hình này không mang lại nguồn thu cho ngân sách khi bị giảm trừ nhiều loại thuế. Trong khi đó, phát triển nhà ở thương mại cao cấp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, trước thực trạng thị trường bất động sản đang trầm lắng như hiện nay, theo ông Đính, nhà ở xã hội sẽ là phân khúc giải bài toán thanh khoản cho thị trường. Khi các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ được triển khai xây dựng, bán hàng đây sẽ là phân khúc có thanh khoản rất tốt do phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người mua nhà.

Chính vì vậy, ông Đính cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần phải nhanh chóng có giải pháp nhằm mở rộng thêm nguồn cung nhà ở xã hội, đặc biệt là nguồn cung ngắn hạn. Các địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ đơn vị phát triển, tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư dự án, không để tồn đọng và kéo dài nhiều hồ sơ, thủ tục.

Ngoài ra, một đề quan trọng nữa hiện nay là cần phải tiếp tục rà soát mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật, rào cản thủ tục phê duyệt đầu tư dự án để tháo gỡ kịp thời trước khi đợi sửa luật.

Vị chuyên gia này đề Chính phủ nghị thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc nhằm hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục phê duyệt đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở xã hội để việc đầu tư đạt hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, sau 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cả nước mới chỉ hoàn thành 7,8 triệu m² tương đương với khoảng 200.000 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động. Kết quả này mới đáp ứng khoảng 42% chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước, hiện đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2.

Trong đó, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án nhà ở xã hội và 126 dự án nhà ở công nhân. Đây là những con số rất khiêm tốn. Theo nhiều người mua nhà cho biết, việc tìm mua một căn chung cư ở Hà Nội giá thấp rất là khó. Còn tại TP. HCM, hiện đã hoàn toàn vắng bóng nguồn cung nhà ở có giá dưới 30 triệu đồng/m2.

Chuyển chủ, Sông Đà 1.01 có gì hấp dẫn?

Chuyển chủ, Sông Đà 1.01 có gì hấp dẫn?

Tình hình kinh doanh bết bát, vay nợ gấp 15 vốn chủ sở hữu… là những khó khăn hiện hữu của CTCP Sông Đà 1.01. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, đây cũng là một doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án tọa lạc tại vị trí “vàng” của Thủ đô, lượng hàng tồn kho đang ở mức “khủng”.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.