Dù hoạt động sản xuất đang có những tín hiệu tích cực những tháng gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn phải đối diện với khó khăn, thách thức khi thị trường bị thu hẹp, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng kéo theo chi phí sản xuất và áp lực cạnh tranh ở mức cao.
Tình hình biến động khó lường của nền kinh tế và những xu hướng mới trong chuỗi cung ứng đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp
Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét. Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo.
Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản… Các doanh nghiệp trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện như linh kiện, phụ tùng nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng từng bước nâng cao trình độ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế: số lượng ít, năng lực sản xuất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có giá thành cao, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật.
Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục cho thấy nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng… Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, nhiều tiêu chuẩn và quy định mới được dựng lên liên quan đến chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường mà sản phẩm phụ trợ của Việt Nam hướng đến. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, làm gia tăng đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
Dù hoạt động sản xuất đang có những tín hiệu tích cực những tháng gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn phải đối diện với khó khăn, thách thức khi thị trường bị thu hẹp, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng kéo theo chi phí sản xuất và áp lực cạnh tranh ở mức cao…
Các doanh nghiệp đang kỳ vọng nhiều vào trợ lực từ các cơ chế chính sách, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, đặc biệt là dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất liên quan đến hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ… Ngoài ra, nhiều giải pháp cũng đang được tiếp tục triển khai nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, kết nối doanh nghiệp từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thy Thảo