Thổ Nhĩ Kỳ vừa cho biết Nga đã đồng ý gia hạn thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen lần thứ 4. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về thoả thuận này. Liên Hợp Quốc hiện cũng đề nghị Nga duy trì thoả thuận này để đổi lại việc được tái kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ông Recep Tayyip Erdogan cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý về việc gia hạn thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen. (Ảnh: CNBC)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ông Recep Tayyip Erdogan vừa cho biết Nga đã đồng ý gia hạn thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen lần thứ 4. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về thoả thuận này.
Ông Recep Tayyip Erdogan cho biết đã có cuộc hội đàm qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin và “chúng tôi đã đồng ý về việc mở rộng hàng lang ngũ cốc tại khu vực Biển Đen”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết Tổng thống Nga có “đồng quan điểm” khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về việc gia hạn thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen.
Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022. Thoả thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả. Trước khi cuộc xung đột nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen.
Thoả thuận ngũ cốc này đã được gia hạn lần thứ 3 vào tháng 5 vừa qua và sẽ hết hạn sau ngày 17/7 tới đây. Trong thời gian gần đây, giới quan sát lo ngại Nga có thể rút khỏi thoả thuận khi nước này liên tục cáo buộc phương Tây không thực thi nghiêm túc các điều khoản có liên quan đến lợi ích của Nga. Đồng thời, Nga vừa lên tiếng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ phá vỡ những thoả thuận trao đổi tù nhân với Ukraine.
Xem thêm bài viết: "Giá lương thực nội địa tăng vọt, Ấn Độ cân nhắc cấm xuất khẩu phần lớn gạo" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày 13/7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh “không một” quyền lợi nào của Nga liên quan đến thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen được đáp ứng, như: xuất khẩu lương thực, xuất khẩu phân bón, nhập khẩu máy móc nông nghiệp, thanh toán quốc tế và bảo hiểm vận tải.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo việc chấm dứt Sáng kiến Biển Đen sẽ tác động mạnh đến khu vực Sừng châu Phi, đồng thời cảnh báo việc giá lương thực tăng mạnh lần nữa sẽ khiến hàng chục triệu người đối mặt với đói kém.
Đầu tuần này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gửi thư về việc gia hạn thoả thuận sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Theo hãng tin Reuters, Liên Hợp Quốc đề nghị Nga tiếp tục gia hạn thoả thuận để đối lấy việc tái kết nốt Ngân hàng Nông nghiệp Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.