Chứng khoán ngày 25/1, với tâm lý thận trọng VN-Index có phiên thứ 3 liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh với xu hướng kiểm tra lại đường giá trung bình MA-20 phiên quanh 1.160 -1.165 điểm. Kết phiên, VN-Index giảm 2,60 điểm (-0,22%) về mức 1.170,37 điểm.
HNX-Index cũng giảm phiên thứ ba liên tiếp 0,01 điểm về mức 228,52 điểm. Độ rộng trên 2 sàn niêm yết vẫn tiêu cực khi có 378 mã giảm giá (2 mã giảm sàn), giảm so với phiên trước, 221 mã tăng giá (11 mã tăng trần) và 175 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 12.119 tỷ đồng, giảm khá mạnh 27,8% so với phiên trước, dưới mức trung bình. Trong đó khối lượng giao dịch VN-Index giảm 29,47% cho thấy thị trường dần phân hóa hơn, áp lực điều chỉnh giảm.
Khối ngoại giảm tỷ trọng giao dịch, ngắt mạch mua ròng khi bán ròng trở lại với giá trị 136,07 tỷ đồng, tập trung bán ròng ở nhóm ngân hàng, bán lẻ; mua ròng trở lại trên HNX với giá trị 9,22 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh sau sau giai đoạn tăng giá mạnh, hầu hết giảm điểm, thanh khoản giảm mạnh và là một phần nguyên nhân chính dẫn tới thanh khoản thị trường suy giảm như ABB (-2,41%), VIB (-1,20%), BID (-1,02%), TPB (-0,82%)... ngoài các mã tăng giá nhẹ SGB (+3,08%), KLB (+1,69%), LPB (+0,87%)...
Các mã dịch vụ tài chính, chứng khoán có diễn biến phân hóa tích cực hơn khi một số mã vẫn duy trì tăng điểm vượt và hướng đến vùng giá đỉnh tháng 9/2023, thời điểm VN-Index 1.250 điểm như CTS (+1,57%), VIG (+1,30%), MBS (+1,23%), HCM (+0,38%)... trong khi đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản giảm.
Các cổ phiếu bất động sản phân hóa tích cực trở lại khi nhiều mã bắt đầu phục hồi, tăng giá tích cực như NTL (+5,65%) khi kết quả kinh doanh quý 4/2023 tăng trưởng đột biến, NBB (+1,99%), KDH (+0,97%), NLG (+0,52%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như FIR (-2,80%), SJS (-1,89%), HQC (-1,18%)...
Mặc dù thị trường có diễn biến giao dịch chậm, thanh khoản suy giảm khá nhanh, tuy nhiên trong những nhóm ngành vẫn có nhiều cổ phiếu nổi bật như ở khu công nghiệp D2D (+6,88%), SIP (+2,81%).. bán lẻ FRT (+6,94%).. dịch vụ hàng không ACV (+4,22%), hóa chất CSV (+3,0%)...
Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index ghi nhận phiên giao dịch rung lắc điều chỉnh. Chỉ báo RSI và MACD ở khung đồ thị ngày đã hình thành đỉnh đầu tiên và tiếp tục hướng xuống cho thấy áp lực bán vẫn còn có thể gia tăng và ngưỡng hỗ trợ gần nhất của thị trường sẽ quanh khu vực 1.165 điểm.
Tuy nhiên, đường Senkou pan A và Senkou pan B vẫn đang hướng lên cho thấy thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng tăng trung hạn và những nhịp điều chỉnh là cần thiết để VN-Index tiếp tục hướng lên các vùng điểm cao.
VCBS vẫn duy trì quan điểm như các phiên trước và khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ tâm lý thận trọng, chỉ nên duy trì tỷ trọng đối với những cổ phiếu vẫn đang có xu hướng tích lũy và chỉ gia tăng tỷ trọng tại vùng hỗ trợ khi thị trường cho tín hiệu đồng thuận tăng điểm trở lại. Đối với nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng trong những phiên điều chỉnh.
Thực hiện hóa lợi nhuận khi VN-Index tăng tới ngưỡng 1.200 - 1.210 điểm Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong phiên hôm nay là thanh khoản. Khối lượng khớp lệnh trên HSX thấp nhất từ đầu năm đến nay và thấp hơn (-33,5%) so với mức trung bình 20 phiên. Việc thanh khoản sụt giảm mạnh, cộng với mức hỗ trợ 1.165 - 1.169 điểm vẫn được giữ vững trong phiên hôm nay cho thấy áp lực bán đang có chiều hướng suy giảm trong ngắn hạn.
CSI dự báo, mức hỗ trợ trên sẽ được kiểm tra thêm một lần nữa trong phiên ngày mai rồi mới quay lại xu hướng tăng điểm để hướng tới mốc kháng cự mạnh 1.200 - 1.210 điểm. CSI tiếp tục duy trì quan điểm căn bán, thực hiện hóa lợi nhuận khi VN-Index tăng tới ngưỡng kháng cự 1.200 - 1.210 điểm.
Có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao ở mức hiện tại, nhưng các nhà đầu tư có thể tạm thời dừng bán ở nhóm cổ phiếu tài chính.
Tránh mua đuổi với các nhịp hồi phục sớm Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Việc thiếu nhóm cổ phiếu trụ cột nâng đỡ đã khiến diễn biến có phần nghiêng về chiều hướng điều chỉnh. Điểm tích cực là thanh khoản duy trì ở mức thấp và biên độ giảm giá vẫn tương đối hẹp cho thấy áp lực phân phối chưa lớn.
Sau 3 phiên sụt giảm từ đỉnh ngắn hạn, lực cầu bắt đáy có thể giúp chỉ số xuất hiện các nhịp hồi phục sớm. Mặc dù vậy, VN-Index nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục chịu áp lực rung lắc sau đó khi tiếp cận lại vùng cản cũ tại quanh 1.185 (+/-10) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi tại các nhịp hồi phục sớm và chỉ trải lệnh mua trading một phần tỷ trọng khi chỉ số quay xuống vùng hỗ trợ gần 1.150 (+/-5).
Gia tăng tỷ trọng khi có các nhịp rung lắc mạnh Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường xác nhận đà tăng rất tích cực. Nhà đầu tư nên quan sát và gia tăng tỷ trọng khi có các nhịp rung lắc mạnh trong phiên và giai đoạn hiện tại nên ưu tiên các nhóm ngành mới bật tăng trở lại từ hỗ trợ.
Điều chỉnh ngắn hạn có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.160 điểm Chứng khoán Đông Á (DAS)
VN-Index hiện giữ được xu hướng tăng trung hạn, tuy nhiên điều chỉnh ngắn hạn có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.160 điểm. Chiến lược có thể áp dụng là tiếp tục giải ngân vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt để đồng hành với xu hướng trung hạn của thị trường, quan tâm nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản dân cư, vật liệu xây dựng...
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.
Bảo Châu