Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, nên điều chỉnh hình thức định giá hiện nay đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ “Nhà nước định giá cụ thể” sang “Nhà nước định giá tối đa”.
Cục Đăng kiểm cho biết, hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tại các vùng miền khác nhau. Trong số này các trung tâm thuộc khối tư nhân đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị (chiếm 68,3% tổng số các trung tâm đăng kiểm).
Sau khi Nghị định số 30/2023/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới có thể tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm 3S/4S. Khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới tiếp tục có sự cạnh tranh rộng hơn về cung cấp dịch vụ, giá cả theo cơ chế thị trường.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới thì theo từng khu vực, vùng miền sẽ có chi phí cấu thành giá dịch vụ khác nhau (thuê đất, chi phí nhân công, khấu hao thiết bị, chi phí quản lý…). Về nguyên tắc kinh tế thị trường, Nhà nước không nên cố định một mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới áp dụng cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm trên toàn quốc.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc điều chỉnh hình thức định giá hiện nay đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ “Nhà nước định giá cụ thể” sang “Nhà nước định giá tối đa” là cần thiết, phù hợp với thực tế hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chủ động đưa giá mức giá phù hợp, tiếp cận thị trường. Đồng thời, kiến nghị này cũng phù hợp với quy định tại Luật Giá hiện hành.