Đột phá từ chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đột phá tạo ra sự thay đổi trên cả ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Rút ngắn khoảng cách

Nằm ở khu vực bãi ngang ven biển của huyện U Minh, xã Khánh Thuận là một trong 6 địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh Cà Mau. Nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách, thời gian qua, Ban chỉ đạo chuyển đổi số của xã đã thành lập các tổ phản ứng nhanh, tổ công nghệ số cộng đồng tại xã và các ấp. Trung bình mỗi tổ công nghệ số cộng đồng có từ 5-7 thành viên là cán bộ các ngành, đoàn thể để "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" hướng dẫn người dân tiếp cận với công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra sôi sục trong tỉnh. Tại trụ sở UBND xã Khánh Thuận, hàng loạt các dịch vụ công trực tuyến đã được mã hóa QR, bà con chưa rõ sẽ được cán bộ tận tình hướng dẫn cách thực hiện qua điện thoại thông minh. Sau vài lần bỡ ngỡ, tỷ lệ người dân đến trực tiếp trụ sở xã làm các thủ tục công ngày một giảm đi.

Ông Lê Văn Dũng, ấp 3, xã Khánh Thuận chia sẻ: Năm trước muốn làm thủ tục gì còn phải ra tận trụ sở xã, giờ quen rồi, cứ đăng ký qua mạng, thuận tiện lắm. Cái nào không rõ, có Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận nhà hướng dẫn. Đăng ký thủ tục hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám bệnh từ xa… đều có thể thực hiện nhanh chóng qua môi trường mạng. Tôi thấy những điều này rất thiết thực với người dân.

Coi chuyển đổi số là đòn bẩy giúp địa phương nhanh chóng thoát nghèo, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, ông Phạm Quốc Thiện cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện thủ tục hành chính được xã triển khai từ năm 2020. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành 18/20 nhiệm vụ cải cách hành chính, đạt 90% so kế hoạch đề ra. Đây là bước chuyển đổi giúp người dân ở địa bàn khó khăn như Khánh Thuận nhanh chóng cải thiện chất lượng cuộc sống, gắn kết với xã hội.

Vai trò người đứng đầu

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và thực hiện tốt Chương trình, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, ngày 14/7/2022, Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 1/8/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1929/QĐ-UBND ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án được cụ thể hóa bằng kế hoạch hằng năm với những nhiệm vụ, giải pháp chi tiết nhằm thực hiện các mục tiêu theo lộ trình đề ra. Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng được Cà Mau đúc rút trong thời gian qua là việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai chuyển đổi.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 450 dịch vụ công trực tuyến được kết nối, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của Cà Mau đã kết nối với 132 lĩnh vực quản lý, 39 loại dữ liệu với 262 trường thông tin. Đặc biệt, Cà Mau không còn vùng lõm sóng, 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai hệ thống cáp quang internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G đến ấp, khóm…. Tỷ lệ đã cấp định danh điện tử (mức độ 1, mức độ 2) đạt gần 80% người dân trưởng thành.

Thực hiện mô hình “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đến nay thành viên các Tổ công nghệ số tại Cà Mau đã trực tiếp hướng dẫn cho hơn 210 nghìn hộ dân, tương đương khoảng 65% số hộ gia đình trong tỉnh Cà Mau cài đặt, sử dụng các nền tảng số để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Về kinh tế số, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; có 98% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Về thương mại điện tử, có 6.000 hộ kinh doanh có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử với tổng số sản phẩm bán trên sàn 734 sản phẩm. Nhờ chuyển đổi số, khoảng cách về địa lý không còn tồn tại, mọi mặt trong đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay.

Theo thống kê, 10 năm qua, Cà Mau đã đầu tư 339 tỷ đồng để thực hiện 293 dự án phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Chia sẻ về những thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau cho biết: Toàn tỉnh có 135 cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước. Khó khăn hiện nay của chúng tôi là thiếu hụt nhân lực chất lượng. Vấn đề này rất quan trọng vì việc phát tán mã độc, tấn công mạng xảy ra hằng ngày. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung bồi dưỡng chuyên về công nghệ cho cán bộ, phát triển tổ công nghệ số cộng đồng, coi đây là vấn đề quan trọng góp phần chuyển đổi số trực tiếp đến người dân.

Đối với chính quyền số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Cà Mau được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Hội nghị chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến cuối tháng 8/2024.

Tin liên quan

Chống tác động tiêu cực của internet

Chống tác động tiêu cực của internet

Một số trường trung học ở Đan Mạch đang lên kế hoạch chặn các trang web có nội dung không phù hợp, ngăn truy cập vào mạng xã hội hoặc mua sắm để giúp học sinh tập trung học tập khi năm học mới đến gần.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.