Linh kiện, phụ tùng ô tô – “Điểm sáng” trong danh mục xuất khẩu chủ lực
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm trong năm 2023 thì xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phụ tùng ô tô là “điểm sáng” khi có tăng trưởng xuất khẩu, đạt trị giá lên tới 57,34 tỷ USD.
Riêng ở danh mục xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng ô tô đạt trị giá xuất khẩu 14,16 tỷ USD, tăng 18,1% (tương ứng tăng 2,17 tỷ USD) so với 2022.
Các thị trường nhập khẩu lớn là những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức… Điều này cho thấy các hãng ô tô trên thế giới tăng cường tìm chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng ở nền kinh tế gần 100 triệu dân.
Theo giới quan sát kết quả này một phần cũng nhờ tác động của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng mà nhiều đơn hàng linh kiện, phụ tùng ô tô đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với những đơn hàng mà các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất và cung cấp hoặc xuất khẩu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng của Việt Nam sẽ cần phải gia tăng năng lực sản xuất để đáp ứng sự chuyển dịch đơn hàng này.
Những linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu những năm gần đây có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn, linh kiện điện tử trong hộp số,…
Tuy nhiên, theo giới quan sát, thành tích về công nghệ sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đối với nhóm mặt hàng này chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ chọn Việt Nam làm điểm sản xuất để xuất khẩu đi toàn cầu. Đó là những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Đài Loan,… như MTEX, FAPV, Nissei, Nidec Tosok, Furukawa, Okaya, Nagata, Sanyo Seisakusho, Pronics, Cobal Yamada. Các doanh nghiệp này đã sớm đầu tư vào các khu chế xuất tại Tp.HCM như Tân Thuận, Linh Trung,…
Sau đó, Việt Nam cũng thu hút được các nhà cung cấp phụ tùng ô tô của các nước khác như Đức, Hàn Quốc,… Chẳng hạn nhà máy của Bosch Powertrain Solutions tại Đồng Nai sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục (CVT pushbelt) cho ngành ô tô, cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô tại châu Á – Thái Bình Dương và Bắc Mỹ…
Trong khi đó, với doanh nghiệp thuần Việt trong lĩnh vực này cũng lên đến hàng trăm nhưng chủ yếu sản xuất những sản phẩm, linh kiện đơn giản, công nghệ chưa cao, giá trị còn thấp… Đa số các doanh nghiệp này khó trở thành nhà cung ứng sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM).
Trên thực tế xu hướng dịch chuyển tìm nhà cung cấp linh kiện trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào “công xưởng” sản xuất của thế giới của các hãng ô tô đã diễn ra. Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã vươn lên từ một vị trí vô danh để trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong ngành công nghiệp phụ tùng xe hơi.
Đà tăng trưởng thần tốc này được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ khi họ nhanh chóng chuyển hoạt động sản xuất phụ tùng và linh kiện ô tô sang Trung Quốc để tiết kiệm chi phí và thiết lập mối liên kết với thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, cuối năm ngoái truyền thông quốc tế dẫn lời các lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô và chuyên gia chuỗi cung ứng rằng các hãng xe toàn cầu hiện đang nỗ lực âm thầm nhằm cắt giảm phụ thuộc vào mạng lưới các nhà sản xuất phụ tùng rộng lớn ở Trung Quốc. Đây được xem là cơ hội lớn cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được chú ý nhiều.
Dù vậy, các hãng xe cũng đang đặt mục tiêu khắt khe hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp khi họ tập trung vào khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng cũng như vấn đề chi phí để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đổ vỡ.
Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng cho biết nhờ tác động của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng mà nhiều đơn hàng linh kiện, phụ tùng ô tô đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với những đơn hàng mà các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất và cung cấp hoặc xuất khẩu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng của Việt Nam sẽ cần phải gia tăng năng lực sản xuất để đáp ứng sự chuyển dịch đơn hàng này.
Nắm bắt cơ hội để “cất cánh”
Theo các chuyên gia, năm 2024 sẽ là thời cơ “vàng” cho nhóm ngành linh kiện, phụ tùng ô tô phát triển bởi Việt Nam đang hội tụ được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.
Thứ nhất, các cuộc viếng thăm cấp Nhà nước đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam và các nước bạn. Từ ngày 22-24/6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Phu nhân đã đến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước, 17 văn kiện hợp tác đã được ký kết, cùng với nhiều chương trình, hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó, Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt - Hàn sẽ tìm kiếm, đào tạo nhân lực và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành ô tô, bao gồm cơ khí ô tô, khuôn mẫu, linh kiện ngành ô tô...
Trong bối cảnh ngành công nghiệp vận tải xanh và các ngành phụ trợ ngày càng phát triển, Viện Công nghiệp Xe xanh Gwangju (GIGA) và các doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng sẵn sàng tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới, đưa những công nghệ lõi và mong muốn sản xuất trực tiếp "xe xanh" và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam nói chung.
Từ 10-11/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021. Sự kiện diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Hoa Kỳ rất quan tâm đến các lĩnh vực ngành nghề mà Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu như sản xuất ô tô, bán dẫn. Hiện tại, Ford Việt Nam đã trở thành một biểu tượng trong quan hệ đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 208 triệu USD. Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam vào năm 2013, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và thương mại song phương đã tăng gấp 4 lần. Hợp tác thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng trở nên đa dạng hơn khi hai nước ngày càng liên kết với nhau thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối năm ngoái, ngày 12/12/2023, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước hai ngày tới Việt Nam, mở ra nhiều kỳ vọng hợp tác mới giữa hai nước, trong đó có tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng... Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc. Lũy kế 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc đạt 49,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Cũng trong năm 2023, nhiều hãng xe lớn của Trung Quốc giới thiệu mẫu xe mới tại thị trường Việt Nam như Wuling, Haval, Haima, Chery, Lynk & Co...
Thứ hai, Việt Nam có nguồn lao động trẻ năng động, ham học hỏi. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, trong đó khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022 (theo JETRO). Trong những năm qua, các doanh nghiệp của Nhật Bản, đặc biệt là Toyota đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ công nhân, kỹ sư Việt Nam và lan tỏa triết lý kinh doanh tới cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp nội địa đã trở thành nhà cung cấp cho các hãng xe lớn trong và ngoài nước.
Hiện tại, THACO Industries là doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam, với các sản phẩm nhựa cho ngành ô tô như: Cản xe, chụp mâm, lướt gió, ốp khoang hành lý, ốp che két nước, ốp gió xe bán tải và các linh kiện nội - ngoại thất. Thị trường xuất khẩu chính của THACO Industries là Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia.
Với các yếu tố thuận lợi kể trên, các chuyên gia nhận định, thị trường xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô còn nhiều dư địa để phát triển. Trong tương lai, đây sẽ phải là ngành đem lại giá trị xuất khẩu cao trong số các nhóm ngành tỷ USD ở Việt Nam.
Thế Đạt