Tờ Bloomberg nhận định, sự chuyển đổi lịch sử từ kỷ nguyên kéo dài hàng thế kỷ của động cơ đốt trong sang thời đại xe điện đang tạo ra những điểm nóng ở những góc cạnh đáng kinh ngạc của nền kinh tế thế giới. Và đặc biệt, mọi thứ chỉ mới bắt đầu.
Tại Vành đai lửa Thái Bình Dương vốn rất giàu tài nguyên của Canada, các mục tiêu xanh đang gặp trở ngại khi giấy phép khai thác khoáng sản sản xuất xe điện bị chậm lại do lo ngại về suy thoái môi trường. Tại Thái Lan – nơi được mệnh danh là Detroit của Châu Á – các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang mất dần vị thế vào tay các công ty Trung Quốc. Tại Mexico, các nhà sản xuất ô tô phương Tây đang mở rộng nhanh chóng việc bán xe điện qua biên giới phía bắc, trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang tăng cường bán hàng cho người tiêu dùng địa phương.
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu nổi bật trong cuộc đua xe điện với hơn 80% thị phần công suất pin lithium-ion của thế giới và dẫn đầu rất lớn ở hầu hết các thành phần quan trọng khác. Tổng thống Joe Biden muốn thay đổi điều đó, với việc Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ chi hàng tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất đến Mỹ và các đối tác thương mại thân cận nhất của nước này.
Cũng đang trong cuộc đua là Liên minh Châu Âu, với cuộc điều tra về các khoản trợ cấp xe điện của Bắc Kinh khi doanh số bán ô tô Sản xuất tại Trung Quốc tăng cao khiến hàng triệu việc làm gặp rủi ro. Bị mắc kẹt trong cuộc đua này là những nền kinh tế nhỏ hơn – một số giành chiến thắng khi dòng vốn đầu tư của Trung Quốc tràn vào, những nền kinh tế khác được hưởng lợi từ các quy tắc tìm nguồn cung ứng mới.
BloombergNEF dự báo, trong một kịch bản cơ bản, giá trị tích lũy của tất cả các hình thức bán xe điện sẽ đạt 8,8 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và 57 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Con số đó sẽ tăng lên hơn 88 nghìn tỷ USD vào giữa thế kỷ này nếu thế giới loại bỏ các phương tiện ngốn xăng bằng tốc độ nhanh hơn nữa.
Colin McKerracher, người đứng đầu bộ phận phân tích ô tô và vận tải tại BNEF cho biết: “Lĩnh vực ô tô là nguồn cung cấp việc làm sản xuất, đầu tư R&D (Nghiên cứu và phát triển) và đổi mới chính, nhưng không phải ai cũng thực hiện quá trình chuyển đổi này một cách suôn sẻ. Tất cả đều có thể nắm bắt được và không ai muốn bị bỏ lại phía sau”.
Trên thực tế, hiện có rất nhiều ví dụ cho thấy cuộc cách mạng xe điện đang tạo ra những căng thẳng về địa chính trị, môi trường và xã hội trên toàn cầu như thế nào.
NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở MEXICO
Trên những con đường đầy sương mù của Thành phố Mexico, hơn một nghìn chiếc taxi điện và xe buýt công cộng có nhãn “Soy Electrico” (“I’m Electric”) chạy vòng quanh những con phố đông đúc phương tiện giao thông. Taxi mang nhãn hiệu Vemo bao gồm xe điện từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD Co. và Jianghuai Automobile Group tại tỉnh An Huy, trong khi xe buýt và xe điện bánh hơi thuộc sở hữu của Thành phố Mexico là của các công ty Trung Quốc Yutong và Zhongtong.
Một tài xế taxi Vemo có tên Kay Joyce Lavariega Sumano, người thích những chiếc xe và tính năng an toàn của chúng cho biết: “Chúng rất phổ biến”.
Mexico được coi là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD của chính quyền ông Biden khi người tiêu dùng mua xe điện được sản xuất tại Bắc Mỹ. General Motors Co., BMW AG, Ford Motor Co., Stellantis NV và Kia Corp. đều đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất xe điện của họ ở đó để tận dụng những lợi ích hấp dẫn ngay gần Mỹ, trong khi Tesla cũng sắp mở nhà máy ở bang phía bắc Nuevo Leon.
Điều trớ trêu là, trong khi các nhà sản xuất ô tô phương Tây đang chuẩn bị sản xuất xe cho thị trường Mỹ thì các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã nhảy vào cuộc bằng cách tăng doanh số bán hàng cho người Mexico. Mexico là nước nhập khẩu ô tô Trung Quốc lớn thứ hai trong 5 tháng đầu năm sau Nga và là điểm đến hàng đầu vào năm ngoái. Trong khi phần lớn trong số xe nhập khẩu đó chạy bằng xăng, xe điện và xe hybrid cũng đang phát triển nhanh chóng.
Đường phố Mexico tấp nập xe điện.
Matias Gomez Leautaud, nhà phân tích chính của Mexico cho công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết: “Logic chính đằng sau khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mexico là để lách thuế và tiếp cận thị trường Mỹ. Sự phát triển của hệ sinh thái sản xuất của Mexico sẽ còn phát triển hơn nữa và đầu tư của Trung Quốc sẽ có thể được hưởng lợi”.
Vào tháng 9, BYD đã tung ra mẫu xe điện cỡ nhỏ mới – Dolphin – cho thị trường Mexico và đang có kế hoạch mở một nhà máy tại quốc gia này. JAC là công ty có doanh số bán xe điện cao nhất ở Mexico và đang mở rộng nhà máy ở Hidalgo, miền trung Mexico.
Jesus Carrillo, giám đốc kinh tế bền vững tại Viện Cạnh tranh Mexico (IMCO), một tổ chức tư vấn, cho biết khi các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu bắt đầu hoạt động, tình thế có thể thay đổi. Điều đó có thể giải thích tại sao cả ông Biden và Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đều không công khai bày tỏ mối lo ngại xung quanh doanh số bán hàng đang bùng nổ ở Mexico của Trung Quốc.
Giám đốc BYD Châu Mỹ Stella Li không lo lắng về điều mà bà gọi là “tiếng ồn đáng lo ngại” trên các phương tiện truyền thông liên quan đến căng thẳng chính trị. “Chúng tôi sẽ tạo ra nhiều việc làm và quan trọng nhất là chúng tôi sẽ mang công nghệ để giúp Mexico trở nên đổi mới hơn, không có lý do gì chính phủ lại ngăn cản chúng tôi cả?”.
Tuy nhiên, Mexico đã lặng lẽ hủy bỏ 9 hợp đồng nhượng quyền lithium do Ganfeng Lithium Group Co. nắm giữ vào tháng 8. Chuyên gia Gomez Leautaud của Eurasia lưu ý rằng, vấn đề này sẽ trở nên phù hợp hơn trước cuộc bầu cử tổng thống ở cả Mỹ và Mexico vào năm tới.
DETROIT CỦA CHÂU Á HƯỚNG VỀ TRUNG QUỐC
Nhiều thập kỷ trước, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản đã giúp biến khu công nghiệp phía đông Thái Lan thành trung tâm sản xuất ô tô toàn cầu và được mệnh danh là “Detroit của châu Á”. Giờ đây, khi chính phủ đang tìm cách sử dụng cuộc cách mạng xe điện để duy trì sự phù hợp, thì nguồn đầu tư của Trung Quốc đang đổ vào.
Jareeporn Jarukornsakul, một ông trùm bất động sản công nghiệp, nằm trong số những người đang mời chào các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Trong vài năm qua, giám đốc điều hành tập đoàn của WHA Corp Pcl đã chốt được nhiều thỏa thuận, bao gồm cam kết đầu tư 18 tỷ baht (507 triệu USD) của BYD và kế hoạch 9 tỷ baht của Changan Automobile để xây dựng các nhà máy đầu tiên ở nước ngoài.
Great Wall Motor Co. và SAIC Motor Corp. cũng đã thành lập cơ sở sản xuất và xuất khẩu ô tô tại một số khu công nghiệp trong số 11 khu công nghiệp của WHA trên khắp bờ biển phía đông Thái Lan, sánh vai với các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Nhật Bản và phương Tây từ lâu đã thống trị khu vực công nghiệp rộng lớn này.
Jareeporn nói trong một cuộc phỏng vấn ở Bangkok: “Các nhà đầu tư Trung Quốc đang tràn vào, chiếm một nửa số khách hàng mới của tôi trong vài năm qua. Mọi người đang đổ xô đầu tư, mua đất, thành lập nhà máy và bắt đầu sản xuất xe điện để tận dụng các ưu đãi của chính phủ Thái Lan”.
Thái Lan đã phân bổ 43 tỷ baht để khuyến khích áp dụng xe điện ở cấp độ người tiêu dùng và tài trợ cho các gói kích thích để thu hút đầu tư. Năm ngoái, họ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á cung cấp trợ cấp tiền mặt lên tới 150.000 baht cho ô tô điện chở khách.
Ô tô chạy bằng pin cũng được miễn hầu hết thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cho đến cuối năm nay. Đổi lại, các hãng ô tô phải cam kết sản xuất trong nước từ năm 2024. Thái Lan muốn 30% tổng sản lượng ô tô của nước này là chạy điện vào năm 2030.
Một nhà máy sản xuất xe ô tô ở Rayong, Thái Lan.
Cục Đầu tư Thái Lan đã nhận được đơn đăng ký đầu tư nước ngoài với tổng giá trị là 365 tỷ baht từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, tăng 73% so với một năm trước. Trung Quốc đã đăng ký đầu tư 90,35 tỷ baht trong giai đoạn này, tăng gần gấp ba giá trị các dự án được phê duyệt cách đây một năm và hơn gấp đôi mức 40,55 tỷ baht của Nhật Bản.
Các nhà phát triển bất động sản công nghiệp như Jareeporn, người có đại diện bán hàng tại Trung Quốc, coi cuộc cạnh tranh xe điện toàn cầu là “cơ hội vàng” để thu hút đầu tư nước ngoài. WHA chứng kiến doanh số bán đất đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái với 1.700 rai (672 mẫu Anh). Năm nay, cô đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.750 rai - tăng 62% - và tự tin rằng mình có thể vượt mục tiêu.
Cô nói: “Các khách hàng Nhật Bản của tôi gần đây đã đùa rằng bây giờ tôi quan tâm nhiều hơn đến các khách hàng Trung Quốc mới của mình nhưng tôi nói điều đó không đúng. Chúng tôi rất biết ơn Nhật Bản vì là một trong những quốc gia đầu tiên đầu tư vào bất động sản công nghiệp ở Thái Lan”.
Bảo Linh