Tasco: "Trùm BOT" Việt Nam và những lần thăng trầm đổi chủ

Từ một đội cầu Hà Nam, sau hơn 50 năm phát triển, Tasco đã thành một đế chế, một ông trùm BOT tại Việt Nam...
tasco-4855.png

Nói đến Công ty Cổ phần Tasco (Tasco - mã chứng khoán: HUT), giới đầu tư lập tức nghĩ ngay đến hình ảnh của một “ông trùm BOT” với hàng loạt các dự án hạ tầng trải dài khắp Việt Nam. Tuy nhiên, qua những lần xoay trụ và đổi ghế nóng, công ty còn lấn sân sang cả lĩnh vực dịch vụ ô tô, bất động sản, tài chính và bảo hiểm...

"LỘT XÁC" TỪ TỈNH LẺ

Được thành lập từ năm 1971, với tiền thân là đội cầu Nam Hà, sau đó công ty chính thức được thành lập ngày 27/3/1976 với tên gọi là Công ty Cầu Hà Nam Ninh, trên cơ sở sáp nhập đội cầu Nam Hà và Xí nghiệp Xây dựng Cầu đường Ninh Bình.

Tháng 11/2000, công ty đã tiến hành cổ phần hoá từ doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và mang tên Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông và Cơ sở Hạ tầng Nam Định. Lúc này, công ty vẫn có trụ sở chính tại Nam Định.

7 năm sau, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tasco. Năm 2008, công ty chính thức chuyển về Hà Nội và đặt trụ sở tại tầng 1 và tầng 20 toà nhà Tasco, đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Lĩnh vực kinh doanh của Tasco gồm có: Hạ tầng giao thông và dịch vụ ô tô; Bất động sản và nghỉ dưỡng; Tài chính và Bảo hiểm. Trong đó, lĩnh vực cốt lõi là Hạ tầng giao thông và dịch vụ ô tô, với VETC là đơn vị hàng đầu tiên phong vận hành thu phí điện tử (ETC). Ngoài ra, Tasco còn có các sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng từ các đơn vị thành viên trong lĩnh tài chính, bảo hiểm, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.

Tính đến hết quý 2/2023, công ty có 6 công ty con trực tiếp (Công ty TNHH MTV Tasco BOT, Công ty Cổ phần VETC, Công ty TNHH MTV Tasco Nam Định, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Tasco, Công ty TNHH Tasco Land, Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco); 5 công ty con gián tiếp (Công ty TNHH thu phí tự động VETC, Công ty Cổ phần Tasco Nam Thái, Công ty TNHH MTV Tasco 6, Công ty TNHH MTV Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng). Theo đó, Tasco đều nắm từ 99% đến 100% vốn điều lệ của 11 công ty này.

Còn 2 công ty liên doanh, liên kết là Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ và Công ty TNHH NVT Holdings thì tương ứng với 30% và 50% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, trước khi còn 13 công ty trên, Tasco từng góp vốn vào nhiều công ty khác như: Công ty cổ phần Tasco Thành Công; Công ty TNHH MTV Tasco Nam Định, Công ty TNHH An Nhiên Foods, Bất động sản Thái An, Tasco Thăng Long, D-Tech, Tổng công ty Thăng Long...

Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh dàn trải dẫn đến thua lỗ đã buộc Hội đồng quản trị của Công ty Tasco phải thực hiện chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần/vốn góp thuộc sở hữu của Tasco tại các công ty con, công ty liên kết. Việc thoái vốn tại tại 7 công ty trên đã đem về cho Tasco khoảng 600 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tasco còn chuyển nhượng 67% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bệnh viện Mắt Hà Nội Cơ sở 2, với số vốn đầu tư là 17,85 tỷ đồng, được trích lập dự phòng toàn bộ.

Việc chuyển nhượng này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc vào năm 2021 của Tasco. Công ty này cho biết sẽ dồn nguồn lực và đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như đầu tư hạ tầng giao thông bao gồm hạ tầng thông minh VETC, các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, đầu tư khai thác bất động sản và cả y tế.

Trên website chính thức của công ty này đã giới thiệu:"Tasco là công ty tiên phong và lớn nhất trong lĩnh vực thu phí điện tử (ETC) với 104 trạm, 617 làn đường cao tốc trên các tuyến chính huyết mạch của cả nước.

Tasco có lượng khách hàng lớn với 2,5 triệu người sở hữu ô tô. Mục tiêu của Tasco là tăng lượng khách hàng lên 5 triệu người vào năm 2025 và duy trì 80% thị phần chủ xe trong những năm tới".

Bằng các hình thức BOT, BT và BOO, doanh nghiệp này đã thực hiện hàng loạt các dự án tuyến đường huyết mạch nổi bật như: Dự án BOT Mỹ Lộc vốn đầu tư là 3.801 tỷ đồng; Dự án BOT đường tỉnh 39B Thái Bình vốn đầu tư 1.882 tỷ đồng; Dự án BOT Quảng Bình 2.004 tỷ đồng; Dự án tuyến đường Lê Đức Thọ - đường 70 (Hà Nội); Dự án nâng cấp cải tạo QL10 đoạn qua thành phố Hải Phòng... Dự án thu phí tự động không dừng VETC 1.524 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tasco còn đang thực hiện kế hoạch thâu tóm Công ty Cổ phần SVC Holdings - nhà phân phối ô tô hàng đầu của Việt Nam với hơn 11,9% thị phần (VAMA 2021) tuy nhiên chưa thành công.

Còn trong lĩnh vực bất động sản và nghỉ dưỡng, Tasco đã thành lập nên Tasco Land. Tasco hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án tại Hà Nội như: Khu đô thị sinh thái Foresa Villa, dự án South Building Pháp Vân, dự án khu nhà ở cho cán bộ nhân viên Báo Nhân dân và Trung ương Đảng, dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, khu đô thị sinh thái Mỹ Đình – Nam Từ Liêm, dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao…

Ngoài ra, Tasco Land còn đầu tư vào Công ty Cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay, đơn vị sở hữu khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay 6 sao, Khu biệt thự Pháp cổ Ana Mandara Đà Lạt...

Tiếp đó, Tasco còn mở rộng sang cả lĩnh vực tài chính và bảo hiểm với thương hiệu Tasco Insurance.

3 LẦN ĐỔI CHỦ TỊCH

Theo dữ liệu lịch sử, vào năm 2007, Tasco được hình thành bởi sự góp vốn của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị - Công ty TNHH (chiếm 8,4% vốn điều lệ); ông Phạm Quang Dũng (chiếm 10,03% vốn điều lệ); 402 cổ đông khác (chiếm 16,07 vốn điều lệ).

Sau nhiều lần thay đổi thì Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị tăng vốn lên 9%, còn ông Phạm Quang Dũng giảm vốn xuống còn 7,46%.

Đồng thời, có sự tham gia của quỹ PYN Elite Fund (chiếm 7,58%); Winstar Resources Limited – một đơn vị đầu tư trực thuộc quỹ VOF do VinaCapital quản lý (chiếm 4,42%), ông Vũ Thái Xuyên (chiếm 3,83%), ông Phạm Văn Lương (chiếm 2,05% vốn điều lệ), quỹ VinaCapital (chiếm 2,43%), bà Trần Thị Thanh Tân (chiếm 1,01%), ông Hồ Việt Hà (chiếm 0,57%) và hàng loạt những cổ đông khác.

Hiện, Tasco niêm yết và lưu hành trên sàn chứng khoán, với mã là HUT. Trong đó, khối lượng cổ phiếu lưu hành đang là 348.631.965 cổ phiếu.

Như vậy có thể thấy, ông Phạm Quang Dũng đang là cá nhân nắm giữ số cổ phần lớn nhất. Được biết, ông Dũng được mệnh danh là "ông trùm BOT" gắn với tên tuổi của Tasco và từng được giới thiệu là doanh nhân khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, trải qua những ngày tháng cơ hàn để rồi đưa Tasco trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân mạnh nhất của Việt Nam hiện nay. Ông Dũng sinh năm 1954, quê tại Nam Định.

"Ông trùm BOT" này từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Tasco, nhưng vào tháng 10/2021, ông đã chính thức rời ghế Chủ tịch và chỉ đồng hành với vai trò một cổ đông lớn và là thành viên quan trọng trong Ban cố vấn chiến lược cấp cao của Tasco.

ong-pham-quang-dung-tasco-8486.jpeg
Ông Phạm Quang Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tasco đang nắm giữ 9,173% vốn điều lệ của Tasco

Thay thế ông Dũng là ông Hồ Việt Hà, sinh năm 1976, người cũng đã có kinh nghiệm và vị trí quan trọng trong các công ty uy tín của các lĩnh vực như kiểm toán, tư vấn tài chính và chịu trách nhiệm quản lý, phát triển toàn bộ mảng kiểm toán, tư vấn tài chính, tư vấn cấu trúc, vận hành, quản trị rủi ro...

Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra vào ngày 29/4, Tasco đã thông qua bầu HĐQT nhiệm kỳ mới và bầu ông Vũ Đình Độ làm Chủ tịch HĐQT, thay cho ông Hà.

Theo báo cáo tài chính, vào thời kỳ ông Hà nắm giữ chức Chủ tịch, Tasco không những không thoát khỏi tình trạng ảm đạm, mà lợi nhuận quý 1/2022 còn bị giảm tới 50% so với quý liền trước, tương đương chỉ còn 88,2 tỷ đồng. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho ông Hà ngồi chưa "nóng chỗ" đã phải nhường vị trí cho vị Chủ tịch hiện tại là ông Vũ Đình Độ.

Được biết, ông Độ sinh năm 1982. Trước khi gia nhập Tasco, ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Chủ tịch HĐQT tại Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (mã chứng khoán: DNP), Công ty Cổ phần Tân Phú Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư ngành nước DNP, Công ty Cổ phần Thủy Điện Nậm La….

Ngoài ra, ông Độ còn từng làm kiểm toán cho KPMG Việt Nam, KPMG Singapore, là trưởng phòng, Giám đốc khối và Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ngân hàng Đầu tư tại nhiều tổ chức tài chính lớn.

Trong quý 2/2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán: CII) đã mua 17,32 triệu cổ phiếu HUT của Tasco, tương đương với 4,97% vốn điều lệ với giá gốc 335 tỷ đồng, bình quân 19.446 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, cũng trong quý này, CII đã thực hiện thoái vốn tại Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (mã chứng khoán: SII). Trong lúc CII bán SII, Công ty Cổ phần Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) đã mua vào hơn 12 triệu cổ phiếu SII , tương ứng tỷ lệ sở hữu 19% vốn điều lệ của SII. DNP Water là công ty nằm trong hệ sinh thái DNP liên quan ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT Tasco.

Được biết, thời kỳ ông Độ nắm giữ vị trí Chủ tịch cũng là thời kỳ Tasco tái cơ cấu lại doanh nghiệp của mình sau khi bị thua lỗ ở một loạt các lĩnh vực như bệnh viện, thực phẩm, bất động sản,... Theo đó, ông Độ đã thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp tại các công ty con/công ty liên kết thuộc sở hữu của Tasco tại các công ty con, công ty liên kết thuộc các lĩnh vực hoạt động cần tái cấu trúc.

Đồng thời, hướng tới việc tập trung vào các lĩnh vực hoạt động có ưu thế, dồn nguồn lực và đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như đầu tư hạ tầng giao thông bao gồm hạ tầng thông minh VETC, các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, đầu tư khai thác bất động sản và đầu tư phát triển hạ tầng y tế.

Liên quan tới Công ty Cổ phần SVC Holdings - nhà phân phối ô tô hàng đầu của Việt Nam, Tasco lên kế hoạch và thực hiện phát hành gần 544 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phần theo tỷ lệ 1:1, thông qua 21 cổ đông, nhằm sở hữu 100% vốn SVC Holdings.

Việc hoán đổi dự kiến được hoàn thành trong tháng 8/2022 nhưng không thành công và công ty vẫn đang hoàn thiện thủ tục, thời điểm hoàn thành sẽ được thực hiện trong năm 2023. Nhưng không rõ vì lý do gì, tính đến thời điểm hiện tại, Tasco vẫn chưa thể xin đăng ký thành công việc phát hành 544 triệu cổ phiếu.

Được biết, SVC Holdings đang nắm tới 53,68% cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico - mã chứng khoán: SVC) – đơn vị nắm 11,9% thị phần xe ô tô mới, phân phối 10 hãng ô tô phổ thông (chiếm hơn 22% thị phần phân phối xe Toyota, 33% thị phần phân phối xe Ford).

SVC Holdings còn sở hữu các công ty phân phối ô tô Volvo, đồng thời, sở hữu Công ty Cổ phần Savico Hà Nội, chủ đầu tư của dự án Trung tâm Savico Megamall 4,6 ha tại số Long Biên, Hà Nội; Toyota Giải Phóng; Toyota Long Biên và một số showroom tại các tỉnh thành phía Bắc.

Bên cạnh đó là sở hữu Công ty Cổ phần Dana với các showroom phân phối tại khu vực miền Trung. Năm 2022, doanh thu toàn hệ thống của SVC Holdings đạt 25.773 tỷ đồng, vượt 7,4% kế hoạch đề ra.

Việc sở hữu SVC Holdings sẽ giúp Tasco hoàn thiện hệ sinh thái về xe ô tô, gia tăng số lượng showroom và phát triển thương hiệu ô tô mới (xe sang và xe điện) để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ô tô.

Được biết, Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần SVC Holdings đã bầu Ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch Tasco làm Chủ tịch SVC Holdings kể từ ngày 20/4/2023.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Năm 1971: Đội cầu Nam Hà được thành lập- tiền thân của Công ty Cổ phần Tasco

Năm 1976: Chính thức thành lập Công ty Cầu Hà Nam Ninh

Năm 1992: Đổi tên Công ty Công trình Giao thông Nam Hà (Nam Định)

Năm 2000: Cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông và Cơ sở hạ tầng Nam Định

Năm 2007: Chuyển trụ sở từ Nam Định lên Hà Nội và đổi tên thành Công ty Cổ phần Tasco

Năm 2008: Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tasco chính thức được niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tasco trở thành nhà đầu tư của các dự án giao thông, BT, BOT

Năm 2011: Công ty Cổ phần Tasco sử dụng bộ nhận diện thương hiệu mới TARIC

Năm 2013: Tasco khởi động dự án BOT quốc lộ 1A( đoạn qua Quảng Bình)

Năm 2015: Triển khai dự án Foresa Villa và các dự án bất động sản khác. Bất động sản trở thành ngành kinh doanh mũi nhọn.

Năm 2016: Hoàn thành bàn giao dự án Foresa Villa. Đưa vào hoạt động hệ thống thu phí tự động không dừng VETC.

Năm 2018: Duy trì và phát triển mạnh các dự án đầu tư Năng lượng tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời... tại các khu vực có tiềm năng)

Năm 2020: Tập trung phát triển lĩnh vực bất động sản ở các tỉnh còn tiềm năng. Hoàn thiện và ổn định hệ thống thu phí không dừng. Tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư về năng lượng tái tạo.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.