Xu thế chứng khoán tuần 14/8-18/8: Rung lắc vẫn còn tiếp diễn

VN-Index đã trải qua một tuần đầy biến động khi chỉ số bật tăng đầy mạnh mẽ tạo khoảng trống giá ngay phiên đầu tuần. Áp lực bán tiếp tục gia tăng ở những ngày tiếp theo khiến chỉ số chung ghi nhận những phiên giảm điểm trước khi bật tăng trở lại tại vùng hỗ trợ 1.200-1.210 điểm ở ngày cuối tuần…

Chứng khoán tuần 07/08 - 11/08, đảo chiều thành công, Vn-Index có tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường giao dịch tăng điểm trong nửa đầu phiên giao dịch sáng chủ yếu nhờ đà tăng của VIC, tuy nhiên sau đó lực cầu yếu khiến cho VN-Index trượt dần và chuyển sang giảm điểm trong nửa đầu phiên chiều do áp lực bán tăng lên, các bluechip phục hồi sau 13h30 đã giúp chỉ số tăng dần và kết phiên với mức tăng 11,6 điểm (+0,95%) lên 1.232,21 điểm.

Như vậy mặc dù có 2 phiên điều chỉnh khá mạnh nhưng với phiên bứt phá đầu tuần và phiên phục hồi cuối tuần, VN-Index đã có tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp với mức tăng cả tuần là 0,51%, duy trì xu hướng tăng điểm trung dài hạn. HNX-INDEX cũng phục hồi 1,34 điểm (+0,55%) lên 245,25 điểm phiên hôm nay và kết tuần tăng 1,17%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 112.625 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,3%, khối lượng giao dịch giảm 0,4% so với tuần trước. Thanh khoản tại HNX tăng 11,1% với 10.984 tỷ đồng được giao dịch. Giá trị giao dịch lập kỷ lục năm 2023 trong phiên đầu tuần với tổng cộng 28.588 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài sau 3 tuần mua ròng liên tiếp chuyển sang bán ròng 692 tỷ đồng trong tuần qua tại HOSE trong đó đáng chú ý có giao dịch bán trên 120 triệu cổ phiếu ACB của Dragon Capital, bán ròng 48,5 tỷ đồng tại HNX.

Thị trường đón nhận các thông tin như: Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2023 yêu cầu đặc biệt lưu ý 6 nội dung và không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023 là 6,5% cho thấy quyết tâm rất cao trong các tháng còn lại của năm 2023; Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất; WB hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ 6,3% xuống 4,7%; Giá xăng tăng thêm 30đ/lít, dầu tăng 1.130đ/lít – 1.810đ/lít kể từ 15h ngày 11/8; MSCI Small Cap Index loại 120 mã và thêm mới 245 mã cổ phiếu của Việt Nam trong lần review tháng 8/2023; XNK của Trung Quốc tháng 7 giảm mạnh hơn dự báo, cụ thể hàng hóa nhập khẩu giảm 12,4% YoY và là tháng thứ 9 liên tiếp suy giảm, lượng xuất khẩu giảm 14,5% - tháng thứ ba liên tiếp; CPI Trung Quốc tháng 7 giảm 0,3% so với năm ngoái, lần đầu tiên giảm kể từ tháng 2/2021; CPI của Mỹ tháng 7 tăng 3.2%, YoY, cao hơn tháng 6 nhưng lại thấp hơn mức dự báo (4,8%).

Các cổ phiếu penny có diễn biến tích cực hơn các nhóm midcap và bluechips trong tuần vừa qua với nhiều mã tăng mạnh, cụ thể như VC7 (+37,8%), PXL (+26,7%), PXI (+25,2%), HHS (+21,09%), QCG (+9,17%)…

Nhóm cổ phiếu tài chính (+3,7%) có diến biến tích cực nhất tuần qua chủ yếu nhờ ngành con là bất động sản. Cổ phiếu VIC đóng vai trò quan trọng trong phiên cuối tuần khi duy trì đà tăng hết biên độ trong suốt cả phiên với khối lượng khớp lệnh kỷ lục trên 23 triệu cổ phiếu (trên 1.676 tỷ đồng) sau tin VinFast dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 15/8. Tính chung cả tuần VIC (+16,72%, chạm đỉnh 12/2022) và VRE (+7,14%) đóng góp lớn vào mức tăng của VN-Index bên cạnh các cổ phiếu khác như NVL (+5,56%), DXG (+4,38%), HTN (+4,15%)… Cổ phiếu chứng khoán tuần qua đa phần giảm điểm do chịu ảnh hưởng từ 2 phiên điều chỉnh tuy nhiên vẫn có một số phiếu tăng điểm như SHS (+3,23%), APS (+5,33%), MBS (+1,67%), SBS (+6,54%).

Cổ phiếu ngân hàng có diến biến phân hóa trong tuần qua, ấn tượng nhất là STB (+10,02%), ngoài ra là các cổ phiếu khác như LPB (+7,83%), CTG (+3,55%), SSB (+4,83%), VCB (+0,33%) trong khi nhóm giảm điểm gồm BID (-3,51%), ACB (-6,15%), SHB (-2,63%)…

Các nhóm ngành khác kết thúc tuần hầu hết đều diễn biến phân hóa và kém tích cực hơn tuần trước đó.

chứng khoán tuần
Chỉ số VN-Index ngày 11/8

Chỉ mua khi chỉ số VN-Index về lại các vùng hỗ trợ

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index giảm điểm giằng co trong phiên trước khi dần hồi phục và bật tăng mạnh về cuối phiên. Lực cầu bắt đáy gia tăng quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1220 (+-5) đã giúp cho chỉ số hồi phục trở lại sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp.

Mặc dù áp lực rung lắc sẽ vẫn còn tiếp diễn trong các phiên tiếp theo, VN-Index đang có nhiều cơ hội mở rộng đà hồi phục và thử thách lại ngưỡng cản gần quanh 1240 (+-5).

Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ một phần tỷ trọng trading ngắn hạn trong các nhịp hồi phục và chỉ kê mua trở lại khi chỉ số về lại các vùng hỗ trợ.

Thu gọn lại danh mục

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần hình thành nến xanh dạng hammer nhờ lực cầu tích cực đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ở cả khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo sau khi hình thành đỉnh đầu tiên đang có xu hướng bật nảy, hướng lên trở lại.

Tuy nhiên khu vực điểm quanh 1250 hiện vẫn đang là kháng cự mạnh của thị trường trong ngắn hạn nên xác suất rung lắc tạo 2 đỉnh vẫn cần được tính đến để quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn.

Các nhà đầu tư nên chủ động thu gọn lại danh mục, bán giảm những mã cổ phiếu đang có diễn biến yếu hơn thị trường, chỉ ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu có nền tảng tích lũy tốt và đang thu hút được lực cầu tốt thuộc các nhóm ngành như bất động sản, ngân hàng.

Hệ số P/E của VN-Index đang ở mức 16,8x

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS)

Hành động chốt lãi khi VN-Index lên vùng 1.145 – 1.150 diễn ra khá quyết liệt, nhìn chung VN-Index đang được sự hỗ trợ rất lớn từ VIC sau thông tin cổ phiếu này dự kiến sẽ niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào ngày 15/08 tới đây.

Trong ngắn hạn nhà đầu tư cần lưu ý 2 yếu tố đó là: (1) Diễn biến của chỉ số VN-Index khi về vùng đỉnh cũ (1.245) và (2) Thanh khoản khớp lệnh trên HSX với mức tham chiếu là mức trung bình của tuần này vào khoảng 1 tỷ đơn vị mỗi phiên. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức - 4 (TIÊU CỰC). Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đang ở mức 16,8x.

Hồi phục đến vùng 1.240 – 1.245 điểm

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Mặc dù nhịp điều chỉnh của thị trường diễn ra khá sâu trong những phiên gần đây nhưng trạng thái bán tháo đã không xuất hiện. Nhờ đó thị trường đã có diễn biến hồi phục nhanh vào giai đoạn cuối phiên, với mức tăng 18,84 điểm so với mức thấp nhất trong phiên tại VN-Index. Cho thấy dòng tiền đang có động thái quay lại hỗ trợ thị trường.

Với tín hiệu hiện tại, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi lùi bước và có cơ hội dần hồi phục đến vùng 1.240 – 1.245 điểm. Tạm thời diễn biến hồi phục này sẽ mang tính chất kiểm tra lại nguồn cung tại vùng cản.

Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát và đánh giá nỗ lực hỗ trợ của dòng tiền trong thời gian tới. Tạm thời có thể nắm giữ cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ dòng tiền. Tuy nhiên cần cân nhắc khả năng hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang có diễn biến suy yếu để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.