Tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ mới, nhiều doanh nghiệp tiếp nhận chấp thuận chủ trương, chứng nhận đầu tư cũng như biên bản ghi nhớ nghiên cứu các dự án trị giá hàng tỷ USD.
Trong khuôn khổ lễ công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, UBND tỉnh Bình Định đã trao quyết định chấp thuận chủ trương, chứng nhận đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn khoảng 12.700 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 24 dự án ký kết ghi nhớ đầu tư.
Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đáng chú ý có dự án điện gió ngoài khơi công suất 2.000MW với tổng mức đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD do Liên danh IDG Capital – STS Development (Hàn Quốc) và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn – Nhơn Hội đăng ký.
Đồng thời, dự án trang trại điện gió ngoài khơi Hòn Trâu trị giá 4,6 tỷ USD tại huyện Phù Mỹ, do Tập đoàn PNE đăng ký, triển khai các hoạt động nghiên cứu, đo gió hơn 1 năm qua cũng được trao bản ghi nhớ đầu tư. Được nghiên cứu phát triển trên diện tích khoảng 433km2, dự án này có tổng công suất 2.000MW, gồm ba giai đoạn.
Một dự án tỷ đô khác là Nhà máy chế biến bột giấy và giấy Bình Định do Công ty CP Quản lý đầu tư Mekong phát triển cũng được xướng tên. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 21.700 tỷ đồng, diện tích chiếm đất khoảng 100ha.
Doanh nghiệp của Chủ tịch Võ Quang Long hướng tới triển khai xây dựng tổ hợp sản xuất hydro công suất giai đoạn 1 là 2.000MW hỗn hợp giữa điện gió và điện mặt trời, đồng thời hình thành cảng tổng hợp sở hữu quy mô tiếp nhận tàu 150.000DWT và triển khai xây dựng khu công nghiệp Phù Mỹ.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng chứng kiến kế hoạch đầu tư dự án điện sinh khối trị giá 2.400 tỷ đồng của Công ty CP Erex đến từ Nhật Bản. Dự kiến, nhà máy điện sinh khối đặt tại huyện Phù Mỹ, quy mô 50MW, sản lượng điện gần 300 triệu kWh/năm.
Không riêng các nhà đầu tư ngoại, nhiều thương hiệu lớn trong nước đang tiếp tục ghi dấu trong quá trình tìm hiểu đầu tư.
Theo đó, Công ty CP Đầu tư Long Biên, thuộc Tập đoàn Him Lam, nghiên cứu lập dự án khu đô thị phức hợp nghỉ dưỡng và sân golf Long Biên Bình Định với tổng giá trị 12.000 tỷ đồng. Dự án hướng tới xây dựng tổ hợp sân golf 36 lỗ, khách sạn năm sao, khu nghỉ dưỡng và các khu tổ chức sự kiện tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng chung mong muốn nghiên cứu phát triển dự án sân golf theo chuẩn quốc tế, Xuân Cầu Holdings dự kiến đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng cho kế hoạch này.
Ngoài ra, một trường hợp đáng chú ý khác là Liên danh King Ridge Mark Golf Club and Resorts (KRM) – STS Development và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn – Nhơn Hội với dự kiến đầu tư dự án khu đô thị nghỉ dưỡng ven biển trị giá 11.200 tỷ đồng.
Theo quy hoạch thời kỳ mới, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa.
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và đô thị hóa cao hơn bình quân chung cả nước.
Đồng thời, tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm ở các mảng: kinh tế biển, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như trung tâm du lịch lớn của cả nước. .
Cùng thời điểm được duyệt quy hoạch tỉnh, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Phù Cát là cảng hàng không nội địa và là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Đến năm 2030, công suất sân bay 5 triệu hành khách và 12.000 tấn hàng hóa mỗi năm và tầm nhìn đến năm 2050 được mở rộng lên 7 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Nguyễn Cảnu