Theo đó, trên cơ sở quy hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) của Quy hoạch điện VIII và đặc điểm tự nhiên – kinh tế - xã hội từng vùng, Bộ Công thương đề xuất nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT liên vùng trong giai đoạn tới năm 2030.
Cụ thể, tại Bắc Bộ, hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT ở các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận.
Trung tâm vùng Bắc Bộ xác định quy mô gồm 2.000MW điện gió ngoài khơi, 500MW điện gió trên bờ và ven bờ. Đồng thời xây dựng các nhà máy chế tạo thiết bị phục vụ phát triển NLTT, dịch vụ cảng biển, hậu cần phục vụ xây lắp, vận hành, bảo dưỡng.
Cùng với đó, trung tâm tại Bắc Bộ cũng phát triển các khu công nghiệp xanh, phát thải các-bon thấp kèm theo các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.
Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ cũng có các cấu phần phát triển tương tự vùng Bắc Bộ. Điểm khác biệt là quy mô phát triển điện gió ngoài khơi khoảng 2.000-2.500MW và 1.500-2.000MW điện gió trên bờ, ven bờ.
Vị trí trung tâm liên vùng này dự kiến tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM và có thể mở rộng lân cận.
Quy hoạch điện VIII xác định, Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ là các vùng nhiều tiềm năng điện gió, điện mặt trời và được quy hoạch phát triển nguồn NLTT, đặc biệt là điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến năm 2030.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Công thương cũng luận giải về định hướng khu vực phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo.
Giai đoạn 2020-2021, nguồn NLTT phát triển mạnh, tập trung phần lớn ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, trong khi khu vực Bắc Bộ phát triển chủ yếu thủy điện, nhiệt điện với nhiều dự án chậm tiến độ so với quy hoạch. Điều này gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện quốc gia, đặc biệt khu vực phía Bắc.
Theo quy hoạch điện VIII, dự báo điện thương phẩm Bắc Bộ tiếp tục tăng trưởng khoảng 8,8%/năm giai đoạn 2021-2030. Để tránh nguy cơ thiếu điện, đặc biệt vào cao điểm nắng nóng Bắc Bộ, cần thúc đẩy phát triển nguồn NLTT ở khu vực này, song song với giải pháp đảm bảo tiến độ các nguồn điện lớn đã duyệt quy hoạch.
Đồng thời, quy hoạch điện VIII cũng khuyến khích phát triển thêm NLTT tại Bắc Bộ giai đoạn tới năm 2030, trên cơ sở tiềm năng gió, mặt trời và mục tiêu phát triển cân đối nguồn – tải nội miền, hạn chế truyền tải xa.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành, trong đó khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là hạt nhân, tạo thành tam giác kinh tế mạnh cho toàn vùng. Đây cũng là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước.
Riêng hệ thống cảng biển tại Hải Phòng, Quảng Ninh tập trung các công xưởng chế tạo đóng tàu và thiết bị siêu trường, siêu trọng hoạt động trên biển. Do đó, theo Bộ Công thương, khu vực này có thể nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản phẩm cơ khí chế tạo và cung ứng thiết bị cho các nhà máy điện NLTT, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Về Nam Trung Bộ, đây là khu vực có tiềm năng phát triển NLTT tốt nhất cả nước, đặc biệt khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Tổng quy mô nguồn NLTT (không gồm thủy điện) tại đây dự kiến đạt khoảng 12.500MW vào năm 2030, trong đó điện gió ngoài khơi phát triển khoảng 2.000MW.
Ngoài tiềm năng gió tốt, Ninh Thuận và Bình Thuận còn có điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt tua-bin gió ngoài khơi móng cố định, tiềm năng phát triển các cảng biển và lưới điện liên kết mạnh phục vụ khai thác năng lượng gió.
Bên cạnh đó, khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận khá gần trung tâm phụ tải Đông Nam Bộ, hệ thống lưới điện truyền tải 500kV quy hoạch cho giai đoạn tới năm 2030 liên kết mạnh với Nam Bộ, đảm bảo giải tỏa công suất nguồn điện.
Hệ thống cảng biển tại đây đang và sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu quốc tế, tăng khả năng kết nối các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ, tạo lợi thế xuất nhập khẩu thiết bị điện mặt trời, điện gió.
Tại khu vực Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được coi là đầu tư phát triển kinh tế cả nước và là cầu nối giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Hệ thống cảng biển tại khu vực TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi tập trung các công xưởng chế tạo đóng tàu, thuận lợi cho xuất nhập khẩu thiết bị cho nhà máy điện NLTT.
Dự kiến đến năm 2025, nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác, giúp tăng cường kết nối giữa khu vực TP.HCM, Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng là trung tâm tiêu thụ điện của miền Nam.
Từ đây, theo Bộ Công thương, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có thể liên kết phát triển thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT liên vùng, tận dụng thế mạnh của mỗi vùng để phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật.
Giai đoạn tới, cần nghiên cứu xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành NLTT tại các khu vực thuận lợi như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM.
Nguyễn Cảnh