Cụ thể, nút thắt quan trọng nhất của dự án phải giải quyết ngay trong năm 2023 liên quan đến hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) và chủ đầu tư Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power).
Theo ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng giám đốc PV Power, hợp đồng PPA cùng các cam kết mua điện dài hạn và xác định khung giá điện là yếu tố quan trọng để dự án Nhơn Trạch 3 và 4 triển khai thuận lợi, hiệu quả.
Đặc biệt, việc sớm chốt hợp đồng PPA còn giúp PV Power có thể sớm ký hợp đồng mua bán khí gắn với khối lượng khí hóa lỏng mua hàng năm, thời hạn xác nhận, kế hoạch giao nhận khí ổn định với giá khí hợp lý nhất.
Đây cũng chính là mong mỏi của PV GAS bởi dự án kho khí hóa lỏng 1 triệu tấn Thị Vải của doanh nghiệp này đã vận hành chính thức với vai trò là nguồn cung chính khí hóa lỏng cho nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Ngoài ra, việc chốt hợp đồng mua bán điện và cam kết mua điện dài hạn cho dự án được xác định là điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng quốc tế xem xét cho PV Power vay vốn triển khai dự án.
Hiện chủ đầu tư và EPTC đã thống nhất các nội dung và ký tắt dự thảo PPA và trình lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, do EVN có ý kiến về giá cố định, giá vận hành và bảo dưỡng, giá biến đổi, sản lượng điện hợp đồng và điều khoản khác nên hợp đồng PPA vẫn chưa được ký. Điều này dẫn đến hợp đồng mua bán khí cũng chưa được ký kết.
Tính đến đầu tháng 11, tiến độ tổng thể gói thầu EPC đối với hai nhà máy ước đạt trên khoảng 66%. Phía tổng thầu cam kết sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành của dự án như quy định trong hợp đồng. Cụ thể, tiến độ phát điện thương mại nhiệt điện Nhơn Trạch 3 vào tháng 11/2024 và Nhơn Trạch 4 vào tháng 5/2025.
Thực tế, những khó khăn nêu trên, đặc biệt là vấn đề PPA và tín dụng cho vay phục vụ dự án đã được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) báo cáo, kiến nghị giải pháp gỡ khó nhiều lần tới Chính phủ.
Điển hình, khoảng 3 tháng trước, PVN đã thông tin cụ thể về khó khăn liên quan tới chuỗi khí điện LNG Thị Vải, trong đó gồm hai dự án thành phần là kho cảng nhập LNG Thị Vải và nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Khi đó, PVN cho biết, hợp đồng mua bán điện và cam kết mua điện dài hạn đã hoàn thành đàm phán và chờ thủ tục phê duyệt để ký kết. Tuy nhiên, các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đàm phán hợp đồng do đặc thù của chuỗi dự án ảnh hưởng đến hoạt động thu xếp vốn, tính khả thi và hiệu quả của dự án.
Cụ thể, chủ đầu tư và EVN chưa hoàn tất đàm phán và ký PPA do chưa thống nhất được được cam kết mua điện dài hạn. Đồng thời, bên cạnh mức phí vay vốn cao, khoản bảo hiểm vốn vay làm chi phí tài chính tăng cao (có thể vượt trần lãi suất) do dự án không có bảo lãnh của Chính phủ cũng là các khó khăn căn bản của dự án.
Trước bối cảnh này, PVN kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho phép Nhơn Trạch 3 và 4 được áp dụng sản lượng điện hợp đồngdài hạn bình quân nhiều năm sử dụng trong tính giá điện đảm bảo hiệu quả đầu tư và dòng tiền trả nợ của dự án.
Liên quan tới hợp đồng thu xếp vốn, PV Power đang triển khai thực hiện khoản vay 4.000 tỷ đồng từ Vietcombank.
Chuỗi khí – điện LNG Thị Vải được xây dựng trên nguyên tắc các dự án thành phần được triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu cả chuỗi hoạt động từ quý III/2023.
Trong đó, dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn Thị Vải đặt tại khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư gần 286 triệu USD. Do PVGAS làm chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành chạy thử. Giai đoạn 2 của dự án được xác định phù hợp với tiến độ nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ giao PV Power làm chủ đầu tư, quy mô công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng đầu tiên ở Việt Nam; góp phần thực hiện “Cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Nguyễn Cảnh