Giải pháp để đầu tư công hiệu quả (Kỳ 1)

Kỳ 1: Áp lực giải ngân

Giải pháp để đầu tư công hiệu quả

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang có chiều hướng chậm lại, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Hàng trăm nghìn tỷ đồng cấp mới cho các dự án đầu tư công đang tạo áp lực triển khai lên cả hệ thống từ Trung ương cho đến địa phương.

Theo khoản 15 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019, đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định. Đối tượng đầu tư công được quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công 2019 như: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội… Hầu hết các mảng trong lĩnh vực đầu tư công đều có lợi nhuận thấp hoặc hầu như không có lợi nhuận. Nhưng nó lại là những mảng cực kỳ thiết yếu trong đời sống xã hội hay có vai trò quyết định trong việc thúc đẩy tốc độ phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Áp lực và đội vốn

Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội ban hành nêu rõ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết nêu rõ, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt hơn 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt hơn 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Chín tháng đầu năm, chúng ta đã giải ngân được 51,38% vốn đầu tư công. Tính ra đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái đến

110 nghìn tỷ đồng. Đây là con số vượt xa sự kỳ vọng của một số người tại thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều trở ngại trên chặng đường “về đích giải ngân vốn đầu tư công”. Quay ngược trở lại thêm một khoảng thời gian, thực chất chưa năm nào chúng ta giải ngân được quá 50% trong chín tháng đầu năm. Chín tháng đầu năm 2021 và 2022 chúng ta chỉ đạt tương ứng 47,38% và 46,7% so với kế hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả năm 2022 Việt Nam giải ngân khoảng 539.276,51 tỷ đồng, đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này ở năm 2021 còn thấp hơn nữa, tương ứng với 78,08% kế hoạch và 95,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã từng phải “cảm thán”: “Đây là một vấn đề nhức nhối. Một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được!”. Tới giữa tháng 5/2023, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang được gửi tại hệ thống ngân hàng đã vượt quá 1 triệu tỷ đồng. Thử tưởng tượng nếu toàn bộ số tiền này được hòa vào dòng chảy của nền kinh tế, những lợi ích đem lại sẽ to lớn đến đâu!

Để “về đích” đúng thời hạn những mục tiêu đề ra đối với đầu tư công, rõ ràng chúng ta còn quá nhiều việc cần phải hoàn thành, khắc phục. Những khuyết điểm cố hữu cần phải được mổ xẻ kịp thời, nhanh chóng khắc phục để tìm ra hướng đi mới. Việc chậm giải ngân không chỉ làm kém đi hiệu quả của một dòng vốn có tính dẫn dắt, định hướng. Trong một số hoàn cảnh, nó còn là điểm phát sinh ra “đội vốn đầu tư công”, một bài toán cũng được cho là “hóc búa” trong thực tế suốt nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lời giải.

Giải pháp để đầu tư công hiệu quả Kỳ 1

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: ANH QUÂN

Một góc vấn đề

Vốn cho đầu tư công tăng dần đều qua các năm, kéo theo đó vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đang được đẩy lên những cột mốc mới. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021 - 2025, vốn cho phát triển hạ tầng giao thông được phân bổ đến 570.412 tỷ đồng. Hiển nhiên, những khiếm khuyết hiện có ở giải ngân vốn cho đầu tư công sẽ gần như lặp lại trong giải ngân vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Với mong muốn góp một phần nhỏ bé “đẩy” con tàu giải ngân vốn đầu tư công về bến đúng giờ, qua tìm hiểu từ một số chuyên gia trong ngành và những thông tin phổ biến trên truyền thông, chúng tôi “bắt gặp” một góc vấn đề có lẽ cần được đưa ra mổ xẻ kỹ lưỡng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Định mức xây dựng, một công cụ được xác lập với vai trò thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường nhằm công khai các thông tin để tăng tính cạnh tranh trong quá trình đầu tư xây dựng. Nó đồng thời là bước đi cơ bản đầu tiên giúp hình thành nên những công trình từ nhỏ đến vô cùng phức tạp như sân bay, cảng biển… Qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và quản lý các dự án xây dựng nói riêng.

Hiểu theo cách đơn giản nhất, định mức xây dựng là quy định về mức hao phí cần thiết vật liệu, nhân công và máy móc để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc xây dựng. Ở Việt Nam, bộ định mức có nguồn gốc từ Liên Xô (trước đây) vào những năm 60 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay, bộ định mức không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Hiện tại, theo như lời của ông Nguyễn Tấn Vinh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), đã có hơn 3.500 các loại định mức được áp dụng.

Con số 3.500 loại cùng với tuổi đời hơn 70 năm của định mức xây dựng có lẽ khiến cho bất cứ ai lần đầu tiếp xúc cũng phải choáng ngợp. Hơn tất cả, đây còn là sản phẩm trí tuệ của rất nhiều nhà khoa học, mồ hôi công sức của nhiều thế hệ trong ngành xây dựng.

Định mức xây dựng phân ra làm hai loại chính: Định mức kinh tế - kỹ thuật và Định mức chi phí. Định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm định mức cơ sở và định mức dự toán xây dựng công trình. Hiểu một cách nôm na, đầu tiên người ta xác định mức sử dụng vật liệu, lao động, năng suất máy… cho một công trình. Từ đó xác định tiếp mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy và thiết bị đã được liệt kê ở phần trước.

Những yếu tố xác định rõ trong định mức kinh tế - kỹ thuật sẽ làm cơ sở cho định mức chi phí. Trong đó định mức tính bằng phần trăm và định mức tính bằng giá trị sẽ được xác định. Nhờ vậy có cơ sở để tính giá xây dựng, dự toán chi phí của một số loại công việc, chi phí trong đầu tư xây dựng bao gồm chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí chung… Nói tóm lại, nó giúp chúng ta hình dung, tính toán được một cách cơ bản việc xây dựng một công trình sẽ mất thời gian bao lâu, cần bao nhiêu nhân công, máy móc và quan trọng nhất là sẽ phải cần bao nhiêu tiền.

Bộ Xây dựng là cơ quan hướng dẫn phương pháp lập định mức dự toán và công bố định mức xây dựng thông qua các thông tư. Căn cứ vào định mức xây dựng được công bố, chủ đầu tư xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Đối với một số công việc chưa có trong hệ thống định mức được công bố, chủ đầu tư phải xác định các định mức dự toán mới hoặc vận dụng các định mức tương tự ở các công trình đã và đang thực hiện… Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về Ban hành định mức xây dựng.

Các yếu tố về giá, tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các loại định mức mới không ngừng được cập nhật. Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện các loại định mức trong xây dựng. Theo chu kỳ, cứ ba năm các loại dữ liệu được cập nhật vào hệ thống một lần. Trong thời gian thực hiện Đề án “Hoàn thiện định mức và giá xây dựng”, tính đến tháng 7/2019, Bộ Xây dựng đã loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 và bổ sung 1.786 định mức.

Hệ thống định mức được xây dựng chặt chẽ, bằng những phương pháp khoa học, nhưng vô tình đã tạo nên một “ma trận” phức tạp. Nó dường như phức tạp đến mức làm “nản lòng” cả những người đọc, chưa nói gì đến những người phải áp dụng nó vào công việc hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Đến đây, sẽ rất nhiều người tự hỏi, hệ thống định mức xây dựng thì liên quan gì đến việc giải ngân vốn hay đội giá đầu tư công? Nó đã được xây dựng một cách khoa học và bài bản như vậy thì còn vấn đề gì phải bàn? Câu trả lời sẽ đến ở kỳ 2, khi chúng ta đi sâu vào thực tế, mổ xẻ những thí dụ điển hình, từ đó tổng hợp nên những lời giải đáp cho riêng mình hoặc cũng có thể cho cả một hệ thống.

(Còn nữa)

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.