Nghịch lý có tiền cũng không tiêu được
Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) mang lại nguồn thu ngân sách lớn nhất cho Thành phố Hồ Chí Minh, khi nơi đây tập trung khoảng 70% lượng container xuất, nhập khẩu cả nước nhưng các con đường quanh cảng cũng là nơi ùn tắc nghiêm trọng và nhiều tai nạn nhất thành phố. Thấy rõ áp lực này, từ năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã chi 1.998 tỷ đồng để xây hệ thống cầu vượt và hầm chui ở vòng xoay Mỹ Thủy. Dự án được bố trí vốn từ sớm nhưng liên tục gặp khó trong quá trình thực hiện dẫn tới tiến độ chậm và đội vốn lên 3.622 tỷ đồng. Năm nay, dự án này được bố trí 1.044 tỷ đồng để bồi thường, tái định cư nhưng đến giờ chưa giải ngân được đồng nào.
Gần đó, dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống dài gần 3 km, từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy được khởi công tháng 2/2020 với tổng vốn khoảng 42 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau chín tháng, nhưng mới thi công hơn 10% thì nhà thầu đã dừng thi công từ năm 2022. Tương tự, việc mở rộng 2,5 km đường Lương Định Của với tổng vốn 800 tỷ đồng, sau tám năm thi công vẫn dang dở.
Khi đề xuất T.Ư giao vốn trung hạn, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nằm trong nhóm địa phương “khát vốn” lớn như giai đoạn 2016-2020, nhu cầu của thành phố là 360.000 tỷ đồng, thực tế chỉ được bố trí 150.000 tỷ đồng, tức 52%. Giai đoạn 2021-2025, số vốn T.Ư duyệt chỉ khoảng 142.000 tỷ đồng trên 672.000 tỷ đồng nhu cầu vốn. Thế nhưng, thực tế thời gian qua cho thấy, có tiền thành phố cũng không tiêu được, thể hiện ở kết quả giải ngân thấp. Trong chín tháng năm nay, thành phố mới giải ngân 20.523 tỷ đồng (đạt hơn 30%) trong tổng số vốn được phân bổ.
Lý giải về các nguyên nhân khiến công tác giải ngân chậm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết, nhiều dự án chưa được các quận, huyện, TP Thủ Đức và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của các địa phương khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Việc này dẫn đến khi duyệt phương án bồi thường, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực tế thấp hơn rất nhiều so với dự án được duyệt dẫn đến không giải ngân hết vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được giao.
Ngoài ra, dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa - cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt hơn 2.412 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 700 tỷ đồng; dự án xây dựng mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 449 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 88 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu Rạch Đĩa (Quận 7 và huyện Nhà Bè) với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 256 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 130 tỷ đồng...
Mặt khác, theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân khác, cụ thể như một số địa phương gặp khó khăn trong việc bàn giao, sửa chữa, cải tạo căn hộ tái định cư để bảo đảm tiến độ thực hiện của việc bồi thường GPMB; chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên không có khả năng giải ngân cho phần vốn bố trí để thi công dự án. Số tiền dự kiến không giải ngân được vì nguyên nhân này gần 5.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố còn 28 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% do lỗi chủ quan của các chủ đầu tư. 16 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% do chậm giải quyết các thủ tục liên quan với số vốn dự kiến không giải ngân 310 tỷ đồng; chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cũng khiến bốn dự án không giải ngân được với số vốn hơn 45 tỷ đồng. Nguyên nhân do UBND các địa phương chậm phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện điều chỉnh quy hoạch.
Khó đạt mục tiêu đã đề ra
Là đơn vị được Thành phố Hồ Chí Minh bố trí nhiều vốn nhất năm nay - gần 20.000 tỷ đồng, tương đương 30% tổng vốn đầu tư công toàn thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cũng chỉ mới giải ngân được hơn 30% vốn được bố trí.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cứ nói đến dự án đội vốn, trễ hẹn là 95% lý do đổ vào đền bù GPMB. Đây là nguyên nhân, nhưng không phải câu trả lời cho mọi dự án chậm tiến độ. Thực tế, kể cả khi không vướng GPMB, có những dự án vẫn chậm tiến độ kéo dài như dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống thi công trên dải đất trống giữa tuyến, vốn là phần diện tích dự trữ trước đây nên không phải GPMB nhưng sau ba năm vẫn dang dở.
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố trong năm nay có thể không đạt 95% như chỉ tiêu đã đề ra, song phải tiệm cận với chỉ tiêu này và quyết tâm giải ngân đầu tư công của cả năm không dưới 80%.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, cần sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính quyền các cấp; trong đó, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung đẩy mạnh thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; đồng thời, đẩy mạnh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và giải ngân các dự án.
Từ nay đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục giao các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm của tập thể, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, chủ đầu tư. Nếu kết quả giải ngân năm 2023 đạt dưới 95% do lỗi chủ quan làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của thành phố thì không xem xét thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án có liên quan.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố sớm ra một văn bản, trong đó nêu cụ thể, rạch ròi những giả định, quy định, chế tài cụ thể trong thời gian 70 ngày còn lại của năm 2023 đối với từng sở, từng ngành, người đứng đầu. Trong đó, quy định rõ nếu từng sở, ngành, địa phương, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ (không phải do khách quan) thì phải chịu trách nhiệm như thế nào. Việc ban hành văn bản này không chỉ là thực hiện cho 70 ngày còn lại mà chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư năm 2024. “Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục đặt trách nhiệm cao nhất từ đây đến cuối năm đối với nhiệm vụ giải ngân đầu tư công vì lĩnh vực này không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao an sinh xã hội và cuộc sống người dân”, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Thành Nam, Quang Sơn