Ninh Bình sắp đón dự án điện linh hoạt nghìn tỷ

Tổng công ty phát điện 3 (Genco3) đang đẩy nhanh kế hoạch đầu tư dự án điện linh hoạt trị giá hơn 5.000 tỷ đồng trên nền tảng nhiệt điện Ninh Bình.

Mới đây, Tổng công ty phát điện 3 – Genco3 cùng Tập đoàn Wartsila Phần Lan đề xuất tỉnh Ninh Bình phát triển dự án nhà máy điện linh hoạt trên cơ sở thay thế nhà máy nhiệt điện than Ninh Bình đã tồn tại hàng chục năm qua.

Việc này khởi phát từ gần một năm trước, khi Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt vài tháng, Wartsila đã nhanh chóng ngỏ lời UBND tỉnh về đầu tư xây dựng nhà máy điện linh hoạt ICE công suất 300 MW với 17 tổ máy.

Dự kiến, nhà máy sẽ đặt tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, với tổng mức đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng. Theo tính toán, khi đi vào vận hành, dự sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Bắc, mang về ngân sách địa phương khoảng 180 tỷ đồng hàng năm. Nếu mở rộng công suất lên 1.500 MW thì tỉ lệ nộp ngân sách sẽ gia tăng tương ứng.

Nhà máy mới sẽ sử dụng nhiên liệu sạch và bền vững (LNG và hydrogen trong tương lai) với vị trí địa điểm cách xa khu dân cư, không ảnh hưởng tới đời sống và phát triển du lịch của địa phương.

Xác định là dự án chiến lược, Tập đoàn Wartsila Phần Lan đề xuất địa phương bổ sung vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, kiến nghị đưa dự án vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.

Được biết, Quy hoạch điện VIII đã bổ sung một nguồn điện mới có tên “nguồn điện linh hoạt” vào trong cơ cấu công suất nguồn: chỉ tiêu bắt đầu là 300MW vào năm 2030 và tăng lên tới 46.200MW vào năm 2050.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, ông Håkan Agnevall, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Wartsila cũng đã thông tin về tình hình hợp tác với Genco3 và bày tỏ mong muốn được nghiên cứu, đầu tư và triển khai dự án điện linh hoạt ICE tại tỉnh Ninh Bình với đối tác Việt Nam.

Khoảng 2 năm trước, tỉnh Ninh Bình đặt vấn đề dừng vận hành nhiệt điện Ninh Bình (công suất 100MW) tại buổi làm việc với Thủ tướng cùng sự góp mặt của EVN.

Về việc này, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, với sản lượng bình quân 600 triệu kWh/năm, nhà máy này có vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc nói chung, tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận nói riêng.

Trong trường hợp dừng vận hành, thì thời điểm dừng cần phải được xem xét kỹ để đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc trong các năm tới (do nhu cầu phụ tải phát triển mạnh trong khi quy mô nguồn bổ sung mới rất ít).

Bên cạnh đó, EVN kiến nghị Thủ tướng cho phép Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình – chủ đầu tư nghiên cứu phát triển dự án điện khí LNG/ năng lượng sạch tại vị trí khác trên địa bàn tỉnh để thay thế nhiệt điện Ninh Bình.

Từ 2022 trở về trước, nhà máy nhiệt điện Ninh Bình từng phải liên tục cải tạo và nâng cấp thiết bị để đảm bảo các yêu cầu về môi trường cũng như nâng cao hiệu suất với kinh phí khoảng 200 tỉ đồng.

Nhiệt điện than Ninh Bình 100MW được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Trung Quốc từ năm 1971 và bắt đầu vận hành lần lượt 4 tổ máy từ giai đoạn 1974-1976. Các trang thiết bị chủ yếu của nhà máy được sản xuất tại Trung Quốc và tới những năm 2010 các trang thiết bị đó vẫn do nhà sản xuất tại Thượng Hải cung cấp để bảo dưỡng/sửa chữa.

Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình, công ty con trực thuộc Genco3 với tỷ lệ nắm giữ trên 50%.

Wartsila là một tập đoàn dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các giải pháp năng lượng linh hoạt dựa trên công nghệ động cơ đốt trong (Internal Combustion Engine - ICE).

Các nhà máy điện động cơ đốt trong được thiết kế theo mô-đun và có thể được cung cấp trên cơ sở xây dựng rất nhanh (trong vòng 12 tháng) để cung cấp điện cần thiết một cách nhanh chóng.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.