Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc gặp khó về phương án tài chính, Tập đoàn Đèo Cả đề nghị xin thêm hơn 2.400 tỷ đồng ngân sách để thực hiện.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đi qua Đồng Nai và Lâm Đồng được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư hồi tháng 11/2022, dài khoảng 66km, tổng vốn đầu tư khoảng 18.120 tỷ đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng được giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án theo phương thức PPP. Liên danh nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung do Đèo Cả làm đại diện.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 18.120 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.743 tỷ đồng, vốn huy động khoảng 9.880 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn lên tới 28 năm 7 tháng.
Theo Tập đoàn Đèo Cả, dự án cao tốc này đang đối diện với khó khăn về tài chính ngay ở bước lập báo cáo khả thi.
Cụ thể, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian hoàn vốn hơn 28 năm rất khó khả thi để huy động vốn. Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nhận định thời gian hoàn vốn khá dài so với các dự án khác thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời, dự án sẽ khó vay vốn từ các tổ chức tín dụng do nguồn vốn này chủ yếu là nguồn ngắn hạn.
Trước đó, Đèo Cả từng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng một số giải pháp để tăng tính khả thi tài chính cho dự án, trong đó có cơ chế cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho dự án từ 2 tháng nay. Tuy nhiên hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa phản hồi cụ thể về đề xuất này của Đèo Cả.
Đèo Cả cho biết, so với cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và Bảo Lộc – Liên Khương (hai dự án cùng tuyến kéo dài từ Dầu Giây đến Liên Khương), cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc gặp nhiều khó khăn hơn cả về suất vốn đầu tư lẫn lưu lượng xe.
Cụ thể, lưu lượng xe dự báo năm 2027 qua Tân Phú – Bảo Lộc bằng 78% qua Dầu Giây – Tân Phú, 84% qua Bảo Lộc – Liên Khương.
Suất đầu tư (tổng mức đầu tư/chiều dài) của Tân Phú – Bảo Lộc gấp gần 1,9 lần cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và khoảng 1,03 lần Bảo Lộc – Liên Khương.
Trước những bất lợi nêu trên, liên danh nhà đầu tư cao tốc này kiến nghị hai giải pháp nhằm giải quyết tính khả thi tài chính dự án.
Thứ nhất, ngân sách nhà nước cần tham gia vào dự án là khoảng 50% tổng mức đầu tư, tương ứng 8.910 tỷ đồng, tức tăng 2.410 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư sẽ thu xếp phần còn lại khoảng 9.070 tỷ đồng. Theo đó, thời gian hoàn vốn sẽ rút ngắn còn 20 năm 2 tháng (tức giảm khoảng 8 năm 5 tháng so với tính toán trước đó).
Thứ hai, với lý do phương án tài chính các dự án (toàn tuyến từ Dầu Giây đến Liên Khương gồm Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Dầu Giây – Tân Phú) đều phụ thuộc lẫn nhau, Đèo Cả kiến nghị thực hiện đồng bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc với hai dự án còn lại.
Cụ thể, nhà đầu tư đề xuất tỉnh Lâm Đồng báo cáo Thủ tướng thống nhất hai nội dung: bổ sung thêm ngân sách trung ương hoặc cân đối ngân sách địa phương tăng khoảng 2.410 tỷ đồng cho dự án Tân Phú – Bảo Lộc để đảm bảo phù hợp Luật PPP, giảm thời gian hoàn vốn dự án.
Đồng thời, bổ sung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm cho dự án theo điều 82 Luật PPP để hài hòa lợi ích và rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thống nhất với nhà đầu tư đề xuất dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương để cùng điều chỉnh cơ chế, chính sách áp dụng đồng bộ cho cả 2 dự án do UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền.
Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư hồi tháng 11/2022 với tổng chiều dài khoảng 66km (khoảng 55km trên địa phận Lâm Đồng). Theo đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện theo phương thức PPP.
Khoảng một năm trước, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận nhà đầu tư đề xuất lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung (Tập đoàn Đèo Cả là đại diện).
Dự án có điểm đầu trùng với điểm cuối của cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn phân kỳ) 17.200 tỷ đồng; tiến độ thực hiện từ năm 2021 - 2026.
Đèo Cả hủy bỏ 85% cổ phiếu phát hành thêm
Nguyễn Cảnh