Giới đầu tư Châu Âu "nín thở" trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, các nhà đầu tư Châu Âu thận trọng đưa ra dự đoán về phản ứng của thị trường khi một trong hai ứng cử viên đắc cử. Họ đặc biệt chú ý đến các chính sách của ông Donald Trump và tác động của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu…

Khi chỉ còn chưa đầy 3 ngày nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, các nhà đầu tư Châu Âu đang hướng tới một kịch bản tiềm năng về chiến thắng của của ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump.

Khái niệm “Trump Trade” đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư, đặc biệt là khi các chính sách đề xuất của ông – bao gồm thuế quan, nhập cư, viện trợ Ukraine và quy định về tiền điện tử – được đánh giá là sẽ có tác động tới toàn bộ các danh mục tài sản. Nhiều người dự đoán rằng đồng USD, vàng, bạc và Bitcoin sẽ tăng giá, trong khi thị trường chứng khoán có thể chịu áp lực lớn.

Tuy nhiên, phản ứng của thị trường nói chung có thể bắt nguồn từ sự không chắc chắn và động thái phòng vệ rủi ro hơn là từ bất kỳ chính sách cụ thể nào. Và ngay cả khi bà Harris đắc cử, thì khả năng đảo chiều của thị trường cũng sẽ chỉ ở mức giới hạn, do các thách thức kinh tế hiện tại vẫn đang là yếu tố chủ đạo ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Theo phân tích từ tờ Euro News, các nhà kinh tế cho rằng đề xuất của ông Trump về thuế quan 60% lên hàng hóa Trung Quốc, cùng mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác, có thể khiến giá cả tại Mỹ tăng cao, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất, qua đó gây áp lực lên thị trường chứng khoán và các đồng tiền khác.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ có thể khiến tỷ giá tiền tệ biến động và có khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải đẩy nhanh việc giảm lãi suất, khiến đồng Euro suy yếu thêm.

Nhiều nhà phân tích cảnh báo, việc ông Trump tái đắc cử có thể đẩy đồng Euro về mức ngang giá với đồng USD. “Với vị thế kinh tế đang có nhiều bất ổn ở Đức - nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình hình, gia tăng nguy cơ suy thoái và/hoặc đẩy nhanh tiến độ bình thường hóa lãi suất của ECB”, chiến lược gia Dilin Wu tại Pepperstone Australia nhận định.

Đồng Euro đã bắt đầu giảm so với USD kể từ đầu tháng 10 khi kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy sự vượt trội hơn so với khu vực EU. Mỹ đã công bố các số liệu kinh tế ổn định, từ đó hạ bớt khả năng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất một cách quyết liệt trong thời gian tới.

Tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 3 đạt 2,8%, một lần nữa củng cố thêm cho kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế.

Ở bất kỳ kịch bản nào, nếu ông Trump thắng cử, đồng Euro có khả năng giảm mạnh so với USD; trong khi nếu bà Harris chiến thắng, đồng Euro có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế rộng lớn hơn về dài hạn.

Giới phân tích đều cho rằng nếu ông Donald Trump chiến thắng, hầu hết các nền kinh tế Châu Âu sẽ chịu tác động tiêu cực, đặc biệt là vì từ chính sách về biến đổi khí hậu, “Nước Mỹ trên hết” và thuế quan thương mại của ông.

Ông Trump có thể sẽ bãi bỏ các miễn trừ thuế thép và nhôm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành khai khoáng và công nghiệp.

Thuế quan bổ sung cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu vốn đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, bà Kamala Harris nếu chiến thắng cũng không mang lại nhiều thay đổi, bởi bà sẽ tiếp tục Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của chính quyền Joe Biden, gây bất lợi cho các đối thủ Châu Âu. Đạo luật IRA bao gồm hàng trăm tỷ USD đầu tư cho chính sách khí hậu và năng lượng, với vô số ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất xe điện tại Mỹ.

Ở khía cạnh khác, mặc dù còn phải nhiều rào cản, nhưng các lĩnh vực như dầu khí có thể hưởng lợi dưới thời chính quyền Donald Trump, khi ông nới lỏng các quy định về khí thải, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch như Shell và BP. Tuy nhiên, sản lượng dầu của Mỹ tăng cao sẽ gây áp lực lên giá năng lượng toàn cầu, làm giảm biên lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu nước ngoài.

Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách của ông Trump. Lạm phát cao có thể dẫn đến lãi suất tăng, từ đó nâng cao thu nhập lãi thuần của các ngân hàng. Còn chiến thắng của bà Harris cũng sẽ không mang lại thay đổi lớn cho lĩnh vực tài chính, vì bà được dự đoán sẽ duy trì các khung quy định hiện hành.

Tin liên quan

Bê bối rúng động giới y khoa

Bê bối rúng động giới y khoa

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) gần đây đã xác nhận phát hiện hành vi sai trái trong nghiên cứu của một nhà khoa học thần kinh hàng đầu ở cơ quan này. Vụ việc khiến giới chức y tế lo ngại ảnh hưởng những chương trình điều trị liên quan bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson và Alzheimer, vốn rất phổ biến.
Lại “nóng” vấn đề di cư tới châu Âu

Lại “nóng” vấn đề di cư tới châu Âu

Các vụ tấn công bằng dao xảy ra liên tiếp đã thúc đẩy chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz xem xét lại chính sách kiểm soát người di cư, tị nạn bất hợp pháp. Nước này sẽ sớm nối lại việc trục xuất người nhập cư và xin tị nạn về Syria và Afghanistan, như một phần trong gói các biện pháp nhằm siết chặt an ninh và chính sách tị nạn.
Sáng kiến bệnh viện di động ở Ấn Độ

Sáng kiến bệnh viện di động ở Ấn Độ

Arogya Maitri Disaster Management Cube (tạm dịch là "Hộp xử lý khủng hoảng Arogya Maitri") là bệnh viện dã chiến đầu tiên trên thế giới có thể vận chuyển bằng đường hàng không. Đây là sáng kiến của Ấn Độ nhằm chuẩn bị trong các tình huống cứu hộ khẩn cấp.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.