Theo chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ UBP, quan hệ và chính sách thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục căng thẳng bất kể là ông Donald Trump hay bà Kamala Harris thắng cử vào tháng 11…
Trong một chia sẻ trên chương trình “Squawk Box Asia” của đài CNBC, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng UBP Thuỵ Sĩ, ông Carlos Casanova nhận định rằng mối quan hệ và các chính sách thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ căng thẳng bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Quan điểm của ông Carlos Casanova cũng được nhiều chuyên gia khác đồng tình. Họ tin rằng cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris đều sẽ duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc.
Ứng viên Đảng Cộng Hoà Donald Trump đã đề xuất mức thuế lên đến 100% đối với hàng hóa Trung Quốc và thuế suất toàn diện từ 10%-20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác. Trong khi đó, bà Kamala Harris được dự đoán sẽ chủ yếu duy trì chính sách thuế quan từ thời chính quyền Joe Biden, các chuyên gia cho biết.
“Một chiến thắng của ông Donald Trump rất có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại và kinh tế giữa Mỹ - Trung, đồng thời đẩy nhanh quá trình tách rời thương mại và tài chính giữa hai nước”, ông Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell nhận xét.
Cũng không thể loại trừ khả năng ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris sẽ tăng cường các “đòn giáng” thuế quan đối với Trung Quốc, vì ngay cả chính quyền ông Joe Biden cũng tiếp tục duy trì thuế quan từ thời Donald Trump và áp dụng thêm nhiều biện pháp khác. Vào tháng 5, Mỹ đã công bố mức thuế suất mới đối với khoảng 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm xe điện, pin mặt trời, pin lithium, thép và nhôm.
Trong cuộc tranh luận tổng thống diễn ra vào tối 10/9 vừa qua, bà Kamala dù chưa nêu rõ các chính sách cụ thể đối với Trung Quốc nhưng liên tục nhấn mạnh rằng chính phủ nên đảm bảo Mỹ sẽ chiến thắng Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh kinh tế thế kỷ 21. Điều này có nghĩa là tập trung vào chi tiết của những gì cần thiết, tập trung vào quan hệ với các đồng minh, tập trung vào đầu tư vào công nghệ để nước Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua về AI và máy tính lượng tử, bà Harris giải thích thêm.
“Căng thẳng thương mại vẫn sẽ tiếp diễn. Tôi nghĩ, người dân Mỹ hiểu rõ rằng cả hai đảng đều đồng thuận và ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Vì vậy, quả thật là bất kể ai đắc cử tổng thống Mỹ cũng sẽ khiến Trung Quốc “đau đầu”, ông Carlos phân tích.
Trước đó, Mỹ đã đưa ra cảnh báo về vấn đề dư thừa công suất (overcapacity issues) của Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen được cho là đã nói vào tháng 5 rằng công suất công nghiệp dư thừa của Trung Quốc đang đe dọa đến các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu, cũng như sự phát triển công nghiệp của các nước thị trường mới nổi.
Vào tháng 4, bà Yellen từng có cuộc gặp gỡ các quan chức Trung Quốc để thảo luận về vấn đề dư thừa công suất và cải cách theo định hướng thị trường. Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Janet Yellen nhấn mạnh rằng một mối quan hệ kinh tế lành mạnh phải cung cấp sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và người lao động của cả hai nước.
Trung Quốc đã nhiều lần bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì bán phá giá hàng hóa khi nhu cầu nội địa suy giảm, từ đó dẫn đến việc các quốc gia nước ngoài áp thuế nặng nề đối với xuất khẩu của nước này. Ngoài ra, cáo buộc Trung Quốc trợ cấp tài chính cho các ngành công nghiệp địa phương như xe điện đã làm dấy lên một làn sóng phản đối gay gắt từ cả Mỹ và Châu Âu.
Mỹ Hân