Cách Trung Quốc sắp vượt Đức và Nhật Bản để thành cường quốc xuất khẩu ô tô

Trung Quốc đã xuất xưởng gần 2 triệu ô tô trong sáu tháng đầu năm 2023, tức hơn 10.000 chiếc mỗi ngày...
4c4556e7-8666-4c29-bc94-c24a1136d87b-2619.jpeg

Những người đam mê ô tô có xu hướng rơi vào một trong hai phe: Những người “ngả mũ” trước sức mạnh và tốc độ của kỹ thuật ô tô Đức và những người luôn cho rằng ô tô Nhật Bản vượt trội, ngưỡng mộ độ tin cậy và giá trị “đáng đồng tiền bát gạo” của chúng.

Trên thực tế, trong suốt nhiều thập kỷ, Đức và Nhật Bản đã tranh giành vị trí nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới. Nhưng theo nhận định của tờ Bloomberg, sự thống trị của bộ đôi này sắp kết thúc. Ngoài đạt được vị thế là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện còn đang trên đà vượt qua các đối thủ cả về lượng xuất khẩu.

Trung Quốc

Chỉ mới vài năm trước, nỗ lực mở rộng ra thị trường nước ngoài của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã bị đình trệ. Năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu dưới 375.000 ô tô mỗi năm, ít hơn Ấn Độ và bằng lượng xuất khẩu của Đức và Nhật Bản trong một tháng. Nhưng vào khoảng năm 2020, đất nước này bắt đầu vươn lên ngoạn mục.

Năm 2021, Trung Quốc xuất khẩu gần 1,6 triệu ô tô. Đến năm 2022, con số này đạt 2,7 triệu.

Doanh số bán hàng quốc tế dự kiến sẽ tăng hơn nữa vào năm 2023. Dữ liệu hải quan cho thấy quốc gia này đã xuất xưởng gần 2 triệu ô tô trong sáu tháng đầu năm, tức hơn 10.000 chiếc mỗi ngày.

Ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang các nước nghèo, nhưng giờ đây, nhiều người tiêu dùng phương Tây đang lần đầu tiên mua ô tô do Trung Quốc sản xuất. Xuất khẩu sang Úc tăng gấp ba lần so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, lên hơn 100.000 ô tô. Doanh số bán ô tô sang Tây Ban Nha tăng gấp 17 lần lên gần 70.000 xe.

Dẫu vậy, nhiều chiếc xe trong số này mang nhãn hiệu phương Tây. Khoảng 1/10 số xe xuất khẩu vào năm 2022 đến từ Tesla, một thương hiệu xe điện của Mỹ. MG – công ty khởi đầu là một thương hiệu của Anh và Volvo, một nhà sản xuất ô tô Thụy Điển, hiện thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc. Các mẫu xe của họ cũng chiếm một lượng lớn xe được xuất khẩu ra nước ngoài.

CHUYÊN GIA XE ĐIỆN

Có nhiều nguyên nhân giúp Trung Quốc gia tăng được lượng xe xuất khẩu nhưng lý do chủ yếu là nhờ chuyên môn quốc gia này có được trong lĩnh vực làm xe điện. Dù với tất cả sức mạnh sản xuất của mình, Trung Quốc chưa bao giờ làm chủ được động cơ đốt trong, loại động cơ có hàng trăm bộ phận chuyển động và rất khó lắp ráp. Sự xuất hiện của các phương tiện chạy bằng pin, đơn giản hơn về mặt cơ khí và dễ chế tạo hơn, đã giúp Trung Quốc theo kịp.

Đầu tư của nhà nước vào công nghệ xe điện, ước tính trị giá 676 tỷ nhân dân tệ (100 tỷ USD) từ năm 2009 đến 2019, đã đưa đất nước này vào vị trí dẫn đầu. Ngày nay, xe chạy bằng pin chiếm 1/5 doanh số bán ô tô ở Trung Quốc và 1/3 lượng xuất khẩu. Tại Nhật Bản và Đức, lần lượt chỉ có 4% và 20% xe xuất khẩu là điện.

Theo SCMP, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng xe điện vì đóng góp hơn 3/4 năng lực sản xuất pin của thế giới. CATL và BYD là 2 trong số 3 nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, quốc gia này cũng kiểm soát hơn 2/3 các thành phần cần thiết để sản xuất pin xe điện – một lợi thế mà Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia đang nỗ lực theo đuổi.

Mới đây, hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla thông báo sắp xây dựng một nhà máy lắp ráp pin Megapack tại Thượng Hải. Mike Gallagher, đại diện Hạ viện bang Wisconsin, cho biết khoản đầu tư này “có vẻ rất đáng lo ngại”.

Có nhiều nguyên nhân giúp Trung Quốc gia tăng được lượng xe xuất khẩu nhưng lý do chủ yếu là nhờ chuyên môn quốc gia này có được trong lĩnh vực làm xe điện.

“Tôi tò mò muốn biết làm thế nào Elon Musk có thể cân bằng giữa việc phát triển SpaceX, tiếp cận thị trường Trung Quốc cũng như giải quyết ổn thỏa các vấn đề xoay quanh Tesla”, Mike Gallagher nói.

Theo các chuyên gia, chuỗi cung ứng của Trung Quốc có “chất gây nghiện” bởi đa số các nhà sản xuất ô tô quốc tế đều cần pin giá rẻ để cạnh tranh. Thị trường này dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần lên 693,70 tỷ USD vào năm 2030 so với mốc 193,55 tỷ USD hồi năm ngoái.

Xung đột chính trị cũng đã thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga. Hiện hầu hết các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã ngừng hoạt động tại Nga. Sự ra đi của họ cho phép các đối thủ Trung Quốc chiếm thị phần.

Trong nửa đầu năm 2023, Nga đã nhập khẩu gần 300.000 ô tô Trung Quốc trị giá 4,5 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với năm 2022. Theo Autostat, một công ty phân tích thì vào tháng 7, ô tô Trung Quốc chiếm gần 80% lượng ô tô nhập khẩu.

Sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc dường như sẽ không sớm chậm lại. AlixPartners, một công ty tư vấn, ước tính rằng doanh số bán ô tô mang nhãn hiệu Trung Quốc ở nước ngoài có thể đạt 9 triệu chiếc vào năm 2030, gấp đôi lượng xuất khẩu của Nhật Bản vào năm 2022.

Mặc dù những thương hiệu nội địa này vẫn còn tương đối xa lạ ở phương Tây, nhưng những chiếc ô tô này thường có xu hướng rẻ - trung bình xe do Trung Quốc sản xuất có chi phí chỉ bằng 40% so với xe do Đức sản xuất - rất phổ biến ở các thị trường mới nổi như Brazil.

NGÀY CÀNG NHIỀU RÀO CẢN

Dẫu vậy vẫn có những rào cản phía trước. Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc có thể đạt được doanh thu lớn, nhưng rất ít người thực sự có lãi. Ngành công nghiệp này được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp của nhà nước, nhưng gần đây khi những quy định thay đổi, thắt chặt hơn thì tăng trưởng doanh số bán hàng bắt đầu chậm lại. Nhưng trợ cấp có thể không kéo dài mãi mãi.

Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc chính là kết quả của chính sách công nghiệp hiệu quả, tiếp nối đường sắt cao tốc, tấm pin mặt trời và pin xe điện.

Để xây dựng thị trường EV lớn mạnh, Trung Quốc đã tài trợ cho các nhà sản xuất địa phương, đồng thời thúc đẩy toàn ngành đạt mục tiêu sản xuất và tiêu chuẩn khí phát thải. Trong một vài năm, chỉ những chiếc EV có pin do Trung Quốc sản xuất mới đủ điều kiện nhận trợ cấp khi chính phủ bắt đầu kiểm soát nhiều hơn chuỗi cung ứng.

Năm 2009, Trung Quốc bắt đầu trợ cấp hào phóng cho người mua xe điện. Chính quyền các tỉnh cũng huy động một lượng vốn lớn để khai thác và tinh chế lithium cho pin EV. Vào năm 2020, Nio, đối thủ đầy tham vọng của Tesla, đã tránh được phá sản nhờ gói trợ cấp do chính phủ lãnh đạo.

xe1-3938.jpg

Vào năm 2015, xe điện là mục tiêu trung tâm trong kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh nhằm trở thành người đi đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch. Ưu đãi đối với xe điện đã thúc đẩy nhu cầu. Người mua xe được nhận trợ cấp, thậm chí rút ngắn thời gian chờ đợi để có được biển số.

Scott Kennedy, nhà nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, ước tính Trung Quốc đã chi khoảng 1,25 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 173 tỷ USD, nhằm hỗ trợ lĩnh vực phương tiện năng lượng mới từ năm 2009 đến năm 2022.

Không chỉ dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn thay đổi quy tắc, cho phép các công ty sản xuất ô tô mà không cần đến đối tác liên doanh. Cuối năm 2019, Tesla bắt đầu giao những đơn hàng đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc. Các mẫu xe hấp dẫn đã kích thích được nhu cầu mua xe của người tiêu dùng.

“Chính chất xúc tác này… đã thúc đẩy sự quan tâm và tăng mức độ cạnh tranh của các nhà sản xuất địa phương Trung Quốc”, Tu Le, Giám đốc điều hành của Sino Auto Insights, cho biết.

Cũng theo Tu Le, các nhà sản xuất ô tô chạy xăng hướng đến sản phẩm, trong khi các nhà sản xuất xe điện lại hướng đến người dùng. Xe điện Trung Quốc có ít nhất hai màn hình hiển thị, một màn hình phù hợp để xem phim từ ghế sau, nhiều lidar (cảm biến dựa trên tia laser) giúp hỗ trợ người lái và thậm chí cả micro để hát karaoke. Các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng pin, chẳng hạn như CATL, cũng đã trở thành người dẫn đầu.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.