Mặc dù thuộc nhóm mở cửa du lịch sớm nhất sau đại dịch Covid-19 nhưng chuyên gia dự báo, việc thu hút khách nước ngoài của Việt Nam vẫn sẽ gặp khó khăn vì nhiều lý do.
"Đi trước về sau" trong mở cửa du lịch quốc tế
Là người rất tích cực trong việc nêu quan điểm, vận động Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về việc mở cửa du lịch đón khách quốc tế sớm và thực tế là Việt Nam đã mở cửa sớm hơn Thái Lan, TS. Lương Hoài Nam kỳ vọng rằng, ngành du lịch trong nước sẽ nhân cơ hội này để có thể tạo cú nhảy vọt, đuổi kịp và vượt Thái Lan về việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Song, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Năm 2022, Thái Lan đón được hơn 11,8 triệu lượt khách quốc tế, mang về 16 tỷ USD. Tỷ lệ phục hồi của Thái Lan cả về số lượt khách quốc tế là 25% và doanh thu từ khách quốc tế (28,6%) đều vượt xa Việt Nam. Đây là cơ sở đến Thái Lan phấn đấu đạt 25 triệu khách quốc tế trong năm nay và đặt mục tiêu 80 triệu khách quốc tế mỗi năm vào năm 2027, gấp đôi con số của năm 2019.
Trong khi đó, ông Nam cho rằng: "Việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Việt Nam đã nhận về kết quả hết sức phũ phàng". Tuy là một trong những nước mở cửa đầu tiên đón khách quốc tế sau đại dịch Covid-19, nhưng chỉ số phục hồi của du lịch Việt Nam lại xếp cuối bảng trong khu vực.
Nếu như trước dịch, năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, bằng một nửa con số 40 triệu khách của Thái Lan thì sau đại dịch, năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách, bằng 1/3 Thái Lan với 10,5 triệu lượt.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Con số này cũng chỉ bằng 1/3 so với mục tiêu 25 triệu lượt khách của Thái Lan.
Đáng chú ý, với tình hình như hiện nay, nhiều khả năng mục tiêu 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế sẽ khó đạt được khi các quốc gia láng giềng đang tung ra rất nhiều chiến lược cạnh tranh, và các chính sách của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn. Việt Nam có thể sẽ tiếp tục lùi xuống mức chỉ bằng 1/4 Thái Lan về thu hút khách du lịch quốc tế, ông Nam nhấn mạnh.
"Làm du lịch nhiều năm, luôn trăn trở với sự phát triển của ngành, tôi không muốn bôi đen, nhưng thực tế, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với hiện trạng rất bi đát", ông Nam nhìn nhận và cho rằng, việc thiếu vắng khách du lịch quốc tế đang đẩy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên phục vụ đối tượng khách hàng này trên bờ vực phá sản, cạn dòng tiền, nợ nần, nhân viên nghỉ việc hàng loạt...
Mặt khác, tại tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức cho hàng không Việt", ông Nam nhấn mạnh rằng, việc không có khách du lịch quốc tế cũng khiến ngành hàng không gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê, có đến 70 lượng khách bay hàng không quốc tế là khách đi du lịch, lượng khách hàng đi công tác và các nhu cầu khác chỉ chiếm khoảng 25%.
Thị thực là rào cản lớn nhất của ngành du lịch
Ngoài các nguyên nhân khách quan đến từ nhu cầu của khách du lịch sụt giảm sau dịch bệnh, theo ông Nam, thị thực là rào cản lớn nhất của việc phục hồi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
So sánh với các nước khác trong khu vực, Việt Nam hiện đang ít hơn về số quốc gia được miễn thị thực khi mới chỉ thực hiện miễn cho 24 quốc gia. Trong khi đó, Thái Lan miễn thị thực cho 68 quốc gia, tại Malaisia, Singapore là khoảng 130 quốc gia.
Hơn nữa, thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của Việt Nam là 15 ngày, ngắn hơn nhiều so với thời hạn được cấp cho khách du lịch ở các nước khác thường là 30 ngày trở lên. Điều này không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế kế hoạch du lịch.
Chính sách hiện tại của Việt Nam cũng yêu cầu phải có thị thực trước khi khởi hành/thị thực nhập cảnh/thị thực điện tử rất nghiêm ngặt. Cùng với đó là thời gian và chi phí phát sinh từ thủ tục này, đang cản trở khách du lịch tự túc từ châu Âu, vốn là tệp khách hàng chi tiêu cao.
Theo ông Nam, khi nhận thấy những vấn đề lớn của ngành du lịch Việt Nam từ cuối năm 2022, Chính phủ đã họp về việc sẽ tăng số quốc gia được miễn thị thực của Việt Nam lên bằng với Thái Lan. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quyết định và các chính sách cụ thể. Trong khi đó, những vướng mắc về thị thực này càng kéo dài, ngành du lịch và hàng không càng bế tắc, không thể phát triển.
Thực tế cho thấy, chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế. Sau đại dịch, "miếng bánh" khách du lịch thế giới đang dần thu hẹp lại đáng kể do khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh khiến người dân cân nhắc nhiều hơn về việc đi du lịch ra nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã rất nhạy bén, nhanh chóng điều chỉnh chính sách, mở rộng phạm vi miễn thị thực để thu hút du khách. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế.
Trước thực trạng này, ông Nam cho rằng, danh sách các quốc gia được miễn thị thực của Việt Nam cần được mở rộng hơn nữa, thời gian miễn thị thực cần kéo dài hơn từ 15 ngày lên 30 ngày như các nước khác để ngành du lịch nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Nếu chính sách thị thực không được tháo gỡ, du lịch Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội rất lớn để phục hồi, ngày càng "bị bỏ lại phía sau" so với các nước khác trong khu vực.