Nhìn lại 20 năm phòng vệ thương mại: Điểm sáng trên tiến trình hội nhập

Ngày 27/12/2022, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam.

Nhìn lại 20 năm phòng vệ thương mại: Điểm sáng trên tiến trình hội nhậpHội nghị Tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, hơn 3 thập kỷ qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, song song với đó là chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã từng bước hội nhập vững chắc vào kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu.

Trước hết, ta đã trở thành thành viên khu vực thương mại tự do ASEAN năm 1995; sau đó chính thức trở thành thành viên WTO cuối năm 2006; dần tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có những FTA thế hệ mới toàn diện với mức độ cam kết sâu và rộng như CPTPP, EVFTA,…

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ấy, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã thay đổi cơ bản, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Điều này được thể hiện rõ nhất qua hoạt động ngoại thương: Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của ta năm 2001 mới đạt hơn 30 tỷ USD thì 6 năm sau, năm 2007, con số này đã là 100 tỷ USD; và năm 2022, con số này dự kiến là khoảng trên 730 tỷ USD (gấp 24 lần so với năm 2001), đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất trên thế giới.

Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 50 tỷ USD năm 2007 và đạt gần 371,5 tỷ USD vào năm 2022 (tăng gần 25 lần).

Nhìn lại 20 năm phòng vệ thương mại: Điểm sáng trên tiến trình hội nhậpThứ trưởng Trần Quốc Khánh xúc động nhìn lại hành trình hơn 20 năm, từ một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, phòng vệ thương mại giờ đã trở thành một điểm sáng quan trọng song song cùng hội nhập kinh tế quốc tế

Song song với việc quy mô ngoại thương tăng trưởng nhanh chóng, xuất hiện 2 nhu cầu chính đáng: trước hết là nhu cầu bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu của ta trên thị trường nước ngoài, khi doanh nghiệp bị kiện bán phá giá hay trợ cấp; cùng với đó là nhu cầu sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường công bằng cho hàng hóa sản xuất nội địa khi hàng hóa nhập khẩu xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

“Trong quá trình này, công tác phòng vệ thương mại trong 20 năm qua là một điểm sáng, khẳng định được vai trò chiến lược, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển trên cả thị trường nước ngoài cũng như thị trường trong nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, xúc động nhắc lại vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đầu tiên đối với hàng hóa của Việt Nam hơn 20 năm trước.

Theo Thứ trưởng, các hoạt động hỗ trợ các ngành xuất khẩu trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở nước ngoài đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giữ vững thị phần và từ đó tăng trưởng, mở rộng sang các thị trường quan trọng. Tác động của công tác phòng vệ thương mại có thể thấy rõ nét nhất qua sự ổn định, phát triển của nhiều ngành quan trọng đối với nền kinh tế như sắt thép, nhôm, thủy sản, mía đường, v..v….

“Có thể thấy, từ một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, trong những năm gần đây, công tác phòng vệ thương mại đã đạt được bước phát triển vượt bậc, cả về hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy tổ chức - chúng ta đã có một đơn vị riêng phụ trách là Cục Phòng vệ thương mại - và trên thực tế, trong 4 năm qua, hoạt động phòng vệ thương mại luôn nằm trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Công Thương mỗi năm”, Thứ trưởng cho hay.

Nhìn lại 20 năm phòng vệ thương mại: Điểm sáng trên tiến trình hội nhập

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, đối với hàng nhập khẩu, đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại.

Nhờ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.

Đối với hàng xuất khẩu, tính đến hết tháng 11/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 225 vụ việc phòng vệ thương mại. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.

“Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen như sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng, quy trình điều tra ngày càng khắt khe, một số nước chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ... nhưng công tác ứng phó các vụ kiện đối với hàng xuất khẩu của ta cũng đã đạt được những kết quả rất tích cực”, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng nhận định.

Nhìn lại 20 năm phòng vệ thương mại: Điểm sáng trên tiến trình hội nhậpCục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng

Cùng với hoạt động ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã xử lý 5 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO. Trong đó, 3 vụ việc đã kết thúc và mang lại kết quả tích cực cho Việt Nam bao gồm Việt Nam khởi kiện biện pháp chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ; Việt Nam khởi kiện biện pháp tự vệ với sản phẩm tôn lạnh của Indonesia. Về cơ bản, các kết luận của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại cũng cho thấy, trong thời gian gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý luôn được Cục phòng vệ thương mại coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Cục phòng vệ thương mại đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, tin tức, nghiên cứu về phòng vệ thương mại trên trang thông tin điện tử của Cục, của Bộ Công Thương; trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin nhanh cho báo chí về các vấn đề nóng liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn và hội thảo chuyên ngành về phòng vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các trường đại học...

Nhìn lại 20 năm phòng vệ thương mại: Điểm sáng trên tiến trình hội nhập

Dù vậy, ông Lê Triệu Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác phòng vệ thương mại còn một số tồn tại và hạn chế, như số lượng hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam vẫn hạn chế, việc thu thập thông tin đầy đủ gặp khó khăn, nhận thức và mức độ hợp tác, liên kết của doanh nghiệp trong nước chưa cao,…

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, hiện nay và trong giai đoạn tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế lớn của thời đại, toàn cầu hóa tiếp tục phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ việc thực thi các cam kết hội nhập với mức độ mở cửa ngày càng cao. Để khai thác tốt các cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục phải chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

“Nhiệm vụ đặt ra với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đối với công tác phòng vệ thương mại sẽ nặng nề hơn, đặc biệt là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp”, Thứ trưởng cho hay.

Nhìn lại 20 năm phòng vệ thương mại: Điểm sáng trên tiến trình hội nhậpCũng tại Hội nghị, các diễn giả đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội ngành hàng đã có phần trao đổi liên quan đến giải pháp hoàn thiện chính sách, triển khai ứng phó với các vụ điều tra tại thị trường nước ngoài và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường trong nước hiệu quả hơn thời gian tới.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.