Chỉ trong 7 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang New Zealand đã vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022. Đồng thời Việt Nam cũng vượt Colombia vươn lên thành nguồn cung cà phê lớn thứ hai cho thị trường này, sau Brazil.
New Zealand là một trong những quốc gia tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới và cũng nhập khẩu lượng lớn cà phê mỗi năm; trong đó xu hướng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đang gia tăng tích cực.
Thị trường tăng trưởng mạnh nhất của xuất khẩu cà phê Việt Nam
Cà phê không chỉ là một loại đồ uống mà còn là nét văn hóa của người dân New Zealand, hầu như mỗi gia đình đều trang bị máy pha cà phê.
Wellington - thủ đô của New Zealand, được mệnh danh là thủ phủ cà phê của New Zealand, bởi nếu tính theo bình quân đầu người thì Wellington được cho là có nhiều quán cà phê hơn cả New York (Hoa Kỳ). Cà phê không chỉ khởi đầu buổi sáng của người dân Wellington; đồ uống này cũng thúc đẩy hành vi kinh doanh. Không ít người dân New Zealand thích tổ chức các cuộc họp kinh doanh ở quán cà phê hơn là phòng họp ở văn phòng…
New Zealand cũng là cường quốc sản xuất các loại đồ uống, thực phẩm, trong đó có các loại cà phê chế biến. Tuy nhiên, do khí hậu không thuận lợi cho trồng cà phê tại địa phương, New Zealand phải tìm kiếm và đảm bảo nguồn cung từ các nhà sản xuất cà phê nước ngoài. Trong đó, Brazil và Colombia là hai nguồn cung cà phê lớn nhất cho New Zealand trong nhiều năm.
Những năm gần đây, do nhu cầu lớn và giá cả cạnh tranh, New Zealand trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất của xuất khẩu cà phê Việt Nam. Việc tận dụng ưu đãi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và New Zealand là thành viên càng thúc đẩy xuất khẩu cà phê Việt Nam gia tăng tại thị trường này.
Xem thêm bài viết "Giá cà phê hôm nay 11/9: Giá cà phê thế giới có thể neo cao cho đến vụ 2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng tăng hơn 18% so cùng kỳ
Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 6 tháng đầu năm 2023, New Zealand nhập khẩu cà phê đạt trên 8 nghìn tấn, trị giá gần 48,39 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nền kinh tế khó khăn và thị hiếu tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, thói quen ăn uống tại nhà được duy trì nhiều hơn dẫn đến tiêu thụ cà phê trong ngành dịch vụ ăn uống giảm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, New Zealand giảm nhập khẩu cà phê từ các thị trường Brazil, Colombia, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Honduras, Papua New Guinea.
Theo ITC, Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho New Zealand trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 1,72 nghìn tấn, trị giá 8,19 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 27,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của New Zealand giảm từ 24,73% trong 6 tháng đầu năm 2022 xuống 21,49% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Ngược lại, New Zealand tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, tăng 23,4% về lượng và tăng 19% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt xấp xỉ 1,14 nghìn tấn, trị giá 2,54 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của New Zealand tăng từ 10,58% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 14,19% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Các nguồn cung cà phê cho New Zealand trong 6 tháng đầu năm 2023
(đvt: % khối lượng)
Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 7/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zealand đạt 194 tấn, trị giá 583,71 triệu USD, tăng 44,8% về lượng và tăng 48% về trị giá so với tháng 6/2023, so với tháng 7/2022 tăng 73,2% về lượng và tăng 108,2% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zealand đạt 1,2 nghìn tấn, trị giá 3,2 triệu USD, tăng 106,5% về lượng và tăng 144,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 7/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zealand đạt mức 3.009 USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng 6/2023 và tăng 20,2% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zealand đạt mức 2.638 USD/tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về chủng loại cà phê, trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến sang thị trường New Zealand. Trong đó, Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến sang thị trường New Zealand, mức tăng lần lượt 186,1% và 58,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng chiếm lần lượt 76,48% và 23,03%. Ngược lại, Việt Nam giảm xuất khẩu cà phê Arabica sang thị trường New Zealand, mức giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng chiếm 0,49%.
Các chủng loại cà phê Việt Nam xuất khẩu sang thị trường New Zealand
7 tháng đầu năm 2023
Xem thêm bài viết: Tận dụng CPTPP, khai thác hiệu quả thị trường New Zealand trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Cần chuẩn hóa quy trình để thích ứng và phát triển bền vững
Theo cam kết tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), New Zealand xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.
Riêng đối với mặt hàng cà phê, New Zealand cùng 8 nước thành viên còn lại cam kết miễn thuế quan ngay đối với cà phê nguyên liệu mã HS 09 và cà phê hòa tan mã HS 21 của Việt Nam (trừ Mexico áp dụng cắt giảm 50-70% thuế suất, có lộ trình 5-10 năm).
Hiện nay, cà phê của Việt Nam đang khá được ưa chuộng, đánh giá cao tại New Zealand, hứa hẹn tiếp tục là đối tác lớn của mặt hàng này. Với lợi thế cùng là thành viên của các FTA giữa Asean - New Zealand, cộng với việc thực hiện Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy kim ngạch và cơ hội nhiều hơn nữa cho cà phê Việt Nam tại New Zealand.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu cũng gặp thách thức không nhỏ trong việc chuẩn hóa mọi quy trình từ khâu sản xuất đến chế biến, hoàn thiện các thủ tục, trong khi nguồn vốn để đầu tư nâng cấp nhà xưởng, nâng công suất máy móc đáp ứng đủ sản lượng cho đơn hàng. Bên cạnh đó, kiến thức về thị trường, năng lực sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại cũng là vấn đề các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ để thích ứng và phát triển bền vững tại thị trường New Zealand.