Các công ty phân tích dự báo nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc tiếp tục giảm vào năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng đến một số ngành chủ lực như dệt may, gỗ…
Xuất khẩu đã bắt đầu giảm tốc do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát trên toàn cầu. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,1 tỷ USD, giảm 4% so với tháng trước và giảm 8% so với tháng 11/2021.
Đây là lần đầu tiên trong vòng hai năm Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu do tình hình suy giảm ở tất cả lĩnh vực.
Các công ty phân tích dự báo nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc tiếp tục giảm vào năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng đến một số ngành chủ lực như dệt may, gỗ…
Cụ thể, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định với ngành dệt may, từ tháng 7 đến nay, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu, lượng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Adidas, Nike tăng mạnh 44% và 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với nhu cầu đi xuống, giá dầu và bông chững lại đã góp phần đưa giá nguyên liệu đầu vào như sợi cotton, sợi polyester sẽ giảm 1-3% vào năm 2023. Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát, các công ty dệt may có thể sẽ chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng có giá trị thấp khiến biên lợi nhuận của các công ty giảm.
VNDirect kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm 2023 có thể là một chất xúc tác cho sự phục hồi của ngành dệt may bởi Trung Quốc là nhà nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu.
Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu dệt may sang EU sẽ sáng sủa hơn từ quý III/2023 do các sản phẩm dệt may được giảm thuế nhập khẩu nhờ EVFTA. Các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm thuế xuất khẩu 2- 4% vào năm 2023.
Còn với ngành gỗ, xuất khẩu còn gặp khó khăn hơn. Kể từ đầu tháng 7, các đơn hàng xuất khẩu đã giảm sút. Sự suy giảm này chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh, trong khi các thị trường chính là Mỹ, EU, lạm phát tăng, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh,... Người tiêu dùng ở Mỹ và EU giờ chỉ tập trung chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu nên đồ gỗ bị cắt giảm.
Mặt khác, việc lãi suất vay mua nhà và giá nhà tăng có thể làm giảm nhu cầu mua nhà và nội thất tại thị trường Mỹ trong năm 2023.
Cụ thể, lãi suất vay mua nhà tại Mỹ hiện ở mức 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi giá nhà trung bình ở mức 454.900 USD/căn, tăng 10,6% trong quý III do nguồn cung thiếu hụt.
Mặt khác, giá ván ép - nguyên liệu đầu vào chính của ngành gỗ vẫn ở mức thấp 3,7- 4 USD/tấm, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục giảm 5% trong năm 2023. Do vậy, doanh nghiệp gỗ sẽ phải giảm giá bán trung bình để thu hút nhiều khách hàng hơn, biên lợi nhuận gộp có thể giảm 0,5 - 0,8 điểm phần trăm vào năm 2023.
Trước đó, Ngân hàng HSBC cũng cho rằng thời kỳ xuất khẩu "ngủ đông" của Việt Nam đang tới do tác động tiêu cực đang xảy ra trên diện rộng tại ba điểm đến chính của xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Chỉ số PMI đã liên tục giảm từ tháng 5 năm ngoái, đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9 với số lượng đơn hàng mới sụt giảm. Việt Nam thuộc diện “đứng mũi chịu sào” xét về mức độ bị tác động. Kể từ tháng 9, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, trong đó, khoảng 90% phải giảm giờ làm.
Đơn hàng điện tử (lĩnh vực vốn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu) mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022, ảnh hưởng đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng nhiều hơn là sản phẩm công nghiệp.