'Hô biến' kết quả kinh doanh từ lỗ thành lãi, FID bị phạt nặng

Ngoài việc bị phạt 215 triệu đồng, FID phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi công bố thông tin sai lệch theo quy định...

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (mã chứng khoán: FID).

Trước hết, FID bị phạt 65 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kiểm toán 2023, Báo cáo thường niên 2023.

Bên cạnh đó, FID cũng bị phạt thêm 150 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch với Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 4/2023. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính riêng quý 4/2023, doanh nghiệp lãi sau thuế hơn 54,6 tỷ đồng, nhưng theo Báo cáo tài chính riêng kiểm toán 2023, kết quả là lỗ gần 19 tỷ đồng. Còn theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023, công ty lỗ sau thuế 2,6 tỷ đồng, trong khi tại Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023 lại lỗ hơn 27,3 tỷ đồng.

Tổng cộng, FID bị phạt 215 triệu đồng. Ngoài xử phạt tiền, công ty phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi công bố thông tin sai lệch theo quy định.

Trên thực tế, FID không chỉ gặp rắc rối với Báo cáo tài chính năm 2023. Nửa đầu 2024, Báo cáo tài chính soát xét (cả riêng và hợp nhất) của FID đều nhận về ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ tổ chức kiểm toán là UHY, liên quan đến việc công ty con là Công ty Cổ phần Gang thép Công nghiệp Việt Nam (FID nắm 76,82% vốn) đang ghi nhận khoản tạm ứng cho cá nhân với giá trị khoảng 22 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại thời điểm lập báo cáo, kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng về tính hiện hữu, tính giá trị, khả năng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai của khoản tạm ứng này. Các thủ tục thay thế không thực hiện được.

Ngoài ra, UHY không thể thu thập các hồ sơ bao gồm hợp đồng vay/khế ước nhận nợ, hợp đồng thế chấp, xác nhận của ngân hàng và các hồ sơ khác có liên quan đến khoản vay ngân hàng BIDV - chi nhánh Đông Đô hiện đã quá hạn trên 3 năm, đang ghi nhận trên Báo cáo tài chính Công ty Gang thép số tiền 28 tỷ đồng nhưng đã dừng tính và ghi nhận lãi vay các khoản vay này.

Tương tự, công ty con còn khoản vay với Agribank - chi nhánh Sở giao dịch khoảng 8,8 tỷ đồng, nhưng cũng đã dừng thực hiện ghi nhận lãi vay với giá trị lũy kế đến cuối tháng 6/2024 khoảng 16,8 tỷ đồng.

Giải trình về ý kiến trên, FID nói Công ty Gang thép Công nghiệp Việt Nam đang tạm ứng cho cá nhân để thực hiện công việc của Công ty. Tại thời điểm 30/6/2024, cá nhân này vẫn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ liên quan đến khoản tạm ứng nêu trên nên FID chưa có căn cứ để xử lý khoản tạm ứng này.

Với các khoản vay, FID cho biết nếu ghi nhận theo đúng quy định, các khoản trên sẽ làm giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của công ty con, đồng thời làm thay đổi số liệu tương ứng.

Tình hình kinh doanh của FID đến hiện tại vẫn chưa có nhiều cải thiện. Tại quý 3/2024, doanh nghiệp đạt doanh thu 5,8 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế gần 1,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 781 triệu đồng).

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.