The LEADER Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký quyết định tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ trương thành lập mới đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia.
Quyết định nêu rõ, tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN và phê duyệt chủ trương thành lập doanh nghiệp mới Công ty TNHH Một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (viết tắt là NSMO) trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC).
Là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, NSMO giữ nhiệm vụ điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực theo quy định tại Luật Điện lực và pháp luật liên quan.
NSMO đảm trách một số nhiệm vụ trọng yếu như lập phương thức chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu an toàn, ổn định, tin cậy; điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo công bằng, minh bạch; góp phần đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đầu tư, quản lý, vận hành, bảo trì và bảo dưỡng hạ tầng hệ thống viễn thông công nghệ thông tin chuyên ngành phục vụ vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện và năng lượng tái tạo.
Vốn điều lệ của NSMO tại thời điểm thành lập là 776 tỷ đồng, thời hạn thực hiện tách trong vòng tối đa 7 ngày kể từ 1/8/2024.
Việc tách A0 khỏi EVN và thành lập NSMO được thực hiện theo cách thức: tách nguyên trạng phần tài sản, quyền, nghĩa vụ của EVN đang giao A0 quản lý, thực hiện để chuyển sang NSMO theo quy định.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng ký ban hành quyết định 753/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt chủ trương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại NSMO từ CMSC về Bộ Công thương sau khi hoàn thành việc tách, thành lập NSMO.
Theo đó, CMSC và Bộ Công thương chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo, đề xuất; quyết định, thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại NSMO từ CMSC về Bộ Công thương theo quy định pháp luật ngay sau khi hoàn thành việc tách, thành lập theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Bộ Công thương chịu trách nhiệm chính về chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiếp nhận NSMO, bao gồm cả cơ chế bảo đảm vốn lưu động cho NSMO phù hợp quy định pháp luật, bảo đảm NSMO tiếp tục vận hành ổn định, hiệu quả sau chuyển giao.
Cùng thời gian, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2024 sửa quy định về nhiệm vụ điều tiết điện lực của Bộ Công thương.
Cụ thể một số điểm đáng chú ý như: Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Phê duyệt giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực sau khi lấy ý kiến của Bộ Tài chính. Phê duyệt khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện và giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Điện lực.
Kiểm tra hợp đồng mua bán điện có thời hạn giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện, hợp đồng mua bán buôn điện có thời hạn theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ khác của Bộ Công thương là thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện.
Nghị định 105/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi quy định về nghĩa vụ trong kinh doanh của EVN là: Kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký; đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ do EVN thực hiện theo tiêu chuẩn đã đăng ký. Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, EVN có nghĩa vụ thanh toán tiền điện theo quy định của hợp đồng mua bán điện.
Thực tế, đã diễn ra câu chuyện chủ đầu tư nhà máy điện năng lượng tái tạo "kêu" vì bị EVN chậm thanh toán tiền mua điện.
Điển hình rõ nhất là trường hợp Trungnam Group cầu cứu Thủ tướng vì EVN chưa thanh toán đối với sản lượng điện phát lên lưới của dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam. Tình hình thậm chí còn bi đát hơn với ông lớn này, là lãnh đạo Tập đoàn mới đây đã bị hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế.
Một ông lớn khác, chuyên đầu tư về thủy điện cũng từng chia sẻ về dòng tiền vận hành doanh nghiệp/dự án gặp khó khăn, với nguyên nhân đến từ việc chậm thanh toán của bên mua điện duy nhất - EVN.
EVN tạm đình chỉ lãnh đạo A0 để phục vụ thanh tra
Nguyễn Cảnh