Hai tuần sau khi Temu vào Việt Nam, sàn thương mại điện tử này đã trở thành từ khóa xuất hiện nhiều trên các hội nhóm và mạng xã hội, đặc biệt sau khi Temu tung ra chương trình tiếp thị liên kết cho người dùng.
Bên cạnh nhiều nghi ngại liên quan đến chương trình tiếp thị liên kết, nhất là sau khi có thông tin Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, trải nghiệm mua hàng trên nền tảng này – một trong những yếu tố tác động đến quyết định mua sắm trực tuyến – chưa thực sự làm hài lòng người tiêu dùng.
Đơn cử, nhiều người tiêu dùng nhận xét rằng giá cả trên Temu không hề rẻ, thậm chí còn cao hơn sàn thương mại điện tử đang chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, theo dữ liệu thống kê từ nền tảng lắng nghe mạng xã hội SocialHeat thuộc công ty YouNet Media.
Cùng với đó, nhiều người dùng cũng tỏ ý băn khoăn về chất lượng sản phẩm kinh doanh trên Temu.
Ngoài vấn đề chất lượng, người dùng cũng phản ánh về dịch vụ vận chuyển và đổi trả của Temu, cho rằng thời gian giao hàng chậm, quy trình đổi trả phức tạp.
Chính sách không hỗ trợ thanh toán khi nhận hàng cũng là điểm trừ khi Temu vào Việt Nam, khi các thảo luận trên mạng xã hội bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật tài khoản khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng.
“Nhìn từ những phản hồi hiện tại, Temu đang đối mặt với nhiều thách thức để giành được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam”, nhóm nghiên cứu của YouNet Media phân tích.
Trong khi nhiều người dùng hào hứng với cơ hội từ chương trình tiếp thị liên kết, phần đông phản hồi vẫn đặt câu hỏi về tính minh bạch và chất lượng sản phẩm trên nền tảng này.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong họp báo thường kỳ quý III của cơ quan này, cũng nhấn mạnh, trường hợp là hàng giả, hàng nhái thì sẽ ngăn chặn, không cho lưu thông, nếu là hàng phá giá thì xử lý theo quy định phá giá thị trường.
Trước đó, trả lời TheLEADER, ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc bộ phận Phân tích thị trường YouNet ECI, đánh giá giá cả hợp lý và các chương trình khuyến mãi là thế mạnh mà Temu có thể khai thác tại thị trường Việt Nam khi đa số người tiêu dùng bị tác động bởi yếu tố giá cả khi mua sắm trực tuyến.
Temu vào Việt Nam cũng có thể chen chân vào giữa những ông lớn đã có mặt như Shopee, TikTok Shop, Lazada khi người tiêu dùng hiện không chỉ trung thành với một nền tảng duy nhất, mà thường so sánh giá và trải nghiệm trên nhiều ứng dụng.
Hiện Shopee là sàn thương mại điện tử thống lĩnh thị trường, theo sau là TikTok Shop và Lazada, theo dữ liệu mới nhất từ YouNet ECI.
Tuy vậy, để có thể hiện thực hóa những cơ hội tại thị trường Việt Nam, bên cạnh trải nghiệm của người dùng, theo ông Lâm, Temu rất cần chú ý tới các quy định liên quan đến thuế, chống hàng giả và hàng cấm, đồng thời hỗ trợ các nhà bán hàng, nhà sản xuất và thương hiệu nội địa trong việc kinh doanh trên thương mại điện tử.
Cùng với đó, Temu cần hợp tác với các cơ quan nhà nước để đảm bảo minh bạch trong giao dịch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp xây dựng hình ảnh đáng tin cậy.
Kiều Mai