Theo các ước tính hiện tại Công ty Cổ phần Gemadept (mã cổ phiếu GMD) có thể thu về từ 150 - 300 tỷ đồng từ thương vụ bán toàn bộ Cảng Nam Hải. Qua đó, doanh nghiệp này dồn lực phát triển cảng Nam Đình Vũ thành cảng sông lớn nhất phía Bắc.
Cảng Gemadept có thể thu về 300 tỷ đồng từ thương vụ bán cảng mới
Do có vị trí kém thuận lợi hơn nên thương vụ bán Cảng Nam Hải của Cảng Gemadept sẽ đem về ít lợi nhuận hơn so với thương vụ bán cảng Nam Hải Đình Vũ hồi tháng 5/2023.
Đầu tháng 11/2023, Công ty Cổ phần Gemadept (Cảng Gemadept, mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) đã công bố kế hoạch chuyển nhượng 99,98% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải - đơn vị đang trực tiếp vận hành cảng Nam Hải và cảng cạn Nam Hải (Nam Hải ICD) tại TP.Hải Phòng.
Hiện vẫn chưa có thông tin về đối tác và lợi nhuận từ thương vụ này. Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của BSC Equity Research, Cảng Gemadept có thể thu được khoản lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải. Mức lợi nhuận này chỉ bằng 9% so với giá trị thương vụ chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ cũng tại TP.Hải Phòng do Cảng Gemadept thực hiện hồi tháng 5/2023.
Trong khi đó, hãng Chứng khoán Vietcap đánh giá thương vụ này có thể giúp Cảng Gemadept thu về khoản lợi nhuận từ 150 - 300 tỷ đồng.
Sản lượng qua các cảng tại cụm cảng phía Bắc của Cảng Gemadept. (Nguồn: Cảng vụ Hải Phòng, BSC Equity Research tổng hợp)
Theo BSC Equity Research, lợi nhuận từ thương vụ mới sẽ thấp hơn chủ yếu do cảng Nam Hải sở hữu vị trí kém thuận lợi khi cảng này nằm phía sau cầu Bạch Đằng do đó sẽ gặp khó khăn khi tiếp nhận các tàu có tải trọng hơn 20.000 DWT trở lên. Cảng Nam Hải cũng là cảng nhỏ nhất trong cụm cảng phía Bắc của Cảng Gemadept.
Thực tế cho thấy, số lượng các tàu có tải trọng 20.000 DWT kể từ khi thời điểm cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động cho đến đầu năm 2023 đã giảm gần 40%. BSC Equity Research đánh giá xu hướng này sẽ tiếp tục giảm trong tương lai bởi xu hướng tàu lớn ngày càng phát triển.
Do đó, việc Cảng Gemadept thoái vốn khỏi cảng Nam Hải là bước đi hợp lý trong cải thiện hiệu quả hoạt động các cảng hiện hữu. Ngoài ra việc này sẽ hỗ trợ thêm nguồn lực để Gemadept tập trung cho các dự án phía Bắc là Nam Đình Vũ giai đoạn 3 - dự kiến đi vào hoạt động trong 2025.
Theo BSC Equity Research, nếu thương vụ trên diễn ra thành công, dự kiến đóng góp thêm 10% vào lợi nhuận sau thuế cốt lõi của Cảng Gemadept trong năm 2024.
Dồn lực đưa cảng Nam Đình Vũ thành cảng sông lớn nhất phía Bắc
Sau giai đoạn 3, tổng chiều dài cầu tàu của cảng Nam Đình Vũ sẽ lên tới hơn 1,5 km, cho phép tiếp nhận các tàu feeder và tàu Nội Á lớn nhất khu vực. (Nguồn: Cảng Gemadept)
Hiện Cảng Gemadept đang tập trung thực hiện giai đoạn 3 của cảng Nam Đình Vũ nhằm nâng công suất tại đây từ 1,2 triệu TEU lên 2 triệu TEU/năm vào năm 2025. Sau khi hoàn thành dự án, cảng Nam Đình Vũ sẽ trở thành cảng sông lớn nhất khu vực phía Bắc, có khả năng tiếp nhận các tàu feeder và tàu Nội Á lớn nhất khu vực.
Đáng chú ý, cảng Nam Đình Vũ đang sở hữu vị trí đắc địa với mớn nước sâu, vũng quay tàu rộng và cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng. Đồng thời, cảng này nằm trong khu công nghiệp Nam Đình Vũ - đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn miền Bắc.
Tại cụm cảng phía Nam, Cảng Gemadept đang lên kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 của cảng Gemalink (2A và 2B) nhằm nâng công suất tại đây từ 1,5 triệu TEU lên 2,4 triệu TEU/năm - chiếm khoảng 26% thị phần tại khu vực Cái Mép - Thị Vải vào năm 2026. Hiện quy hoạch cảng Gemalink đang được Cảng Gemadept đề xuất sửa đổi nhằm đón được tàu trọng tải tới 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.
Tại giai đoạn 2, diện tích cảng Gemalink dự kiến sẽ tăng thêm 39 ha và cầu tàu tăng thêm 700 m, giúp nâng công suất thêm 1,5 triệu TEU/năm. (Nguồn: Cảng Gemadept)
Hoạt động kinh doanh của Cảng Gemadept được nhận định đã chạm đáy trong nửa đầu năm nay và đang hồi phục kể từ quý 3/2023 với sự cải thiện về khối lượng hàng hoá thông quan qua các cảng. Vietcap dự báo tổng sản lượng hợp nhất cả năm nay của Cảng Gemadept sẽ đạt mức 1,2 triệu TEU; trong đó, riêng cảng Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam hiện nay có thể cán mốc sản lượng 1 triệu TEU.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 01/12, thị giá cổ phiếu GMD đạt 70.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 58% so với hồi đầu năm nay.
Duy Quang