Chiến lược "Go Global" của Tập đoàn Masan (MSN) đón thêm trợ lực mới

Việc hợp tác với Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy chiến lược “Go Global” của Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) trong thời gian tới.
Tập đoàn Masan đặt mục tiêu đưa thương hiệu ra thế giới với Masan Consumer, hướng đến 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.

Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada (EDC) và Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN - sàn HoSE) vừa ký kết Bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác. Các lĩnh vực hợp tác chính bao gồm tiêu dùng bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh có thương hiệu, sản phẩm tươi sống và thịt có thương hiệu, chuỗi bán lẻ F&B, dịch vụ tài chính và khai thác, chế biến khoáng sản.

EDC là cơ quan chuyên về về tín dụng xuất khẩu của Canada. Trong khi đó, Tập đoàn Masan hiện là một trong những doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ có quy mô hàng đầu Việt Nam

Động thái hợp tác với Tập đoàn Masan là nằm trong chiến lược thâm nhập thị trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EDC nhằm thúc đẩy lợi ích của Canada trong khu vực. EDC đã mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Việt Nam vào năm nay.

Đại diện EDC cho biết việc ký hợp tác với Tập đoàn Masan sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Canada và Việt Nam, tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Canada muốn gia nhập, phát triển và thành công tại Việt Nam.

Trong khi đó, việc hợp tác với EDC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chiến lược “Go Global” của Tập đoàn Masan. Sở hữu mạng lưới quốc tế sâu rộng và khả năng cung cấp các nguồn lực tài chính dài hạn, EDC sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Masan, đặc biệt ở lĩnh vực khai thác và chế biến vonfram.

Giá cổ phiếu MSN Tập đoàn Masan
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo chiến lược "Go Global", Tập đoàn Masan đặt mục tiêu đưa thương hiệu ra thế giới với Masan Consumer (mã cổ phiếu MCH) hướng đến 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.

Masan Consumer hiện có 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty.

“Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu”, ông Trương Công Thắng - Tổng Giám đốc Masan Consumer cho biết.

Trong đó, Omachi đặt mục tiêu mở rộng thị trường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín...

Thương hiệu Chinsu cũng đặt mục tiêu cao cấp hóa để phục vụ hơn 30 triệu chén nước chấm mỗi ngày, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Thương hiệu này đã phát triển danh mục sản phẩm gia vị cao cấp, hướng tới tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.